(THCL) - “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của công tác kiểm toán là phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, trung thực. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra hoạt động chuyển giá trong thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện những vi phạm pháp luật của một số công ty kiểm toán lớn” - Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế)  khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế)

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về 557 DN có dấu hiệu chuyển giá như công bố mới đây? Và hành vi gian lận phổ biến của các DN là gì?

Đó là con số thống kê kết quả chung về công tác thanh tra, kiểm tra các DN lỗ, có dấu hiệu chuyển giá. Riêng kết quả thanh tra các DN có giao dịch với các bên liên kết, nhưng chưa tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ kê khai giao dịch liên kết và đã bị cơ quan thuế điều chỉnh lại giá giao dịch liên kết để xác định lại nghĩa vụ thuế thu nhập DN.

Tôi xin thông tin cụ thể thêm như sau: Năm 2012, đoàn thanh tra của Tổng cục Thuế đã trực tiếp thanh tra tại 01 DN FDI có trụ sở chính tại tỉnh Đồng Nai hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi, vải. Kết quả, đã điều chỉnh về giá trên 1.156,8 tỷ đồng, sau khi đã điều chỉnh giảm lỗ, giảm chuyển lỗ và tính ưu đãi về thuế suất thuế TNDN đã truy thu là 78,1 tỷ đồng thuế TNDN vào NSNN.

Từ quý IV/2013, Tổng cục Thuế đã trực tiếp thanh tra và hỗ trợ cho 17 cục thuế thực hiện thanh tra hoạt động chuyển giá đối với 47 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may; sản xuất, gia công giày dép, ba lô, túi xách xuất khẩu, thiết bị điện tử; xây dựng. Đến nay, cơ quan thuế đã ban hành Kết luận thanh tra chính thức tại 25 DN; 22 DN đang trong giai đoạn thảo luận để ký kết Biên bản thanh tra. Đối với 25 DN đã hoàn thành thanh tra nêu trên, cơ quan thuế đã điều chỉnh tăng doanh thu và điều chỉnh giảm chi phí do điều chỉnh giá sản phẩm trong giao dịch liên kết trên 6.488 tỷ đồng, dẫn đến các điều chỉnh sau: Bù đắp số lỗ phát sinh trước giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng được chuyển vào giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng trên: 231 tỷ đồng; điều chỉnh giảm số lỗ phát sinh theo kê khai của DN trong giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng trên 1.116 tỷ đồng; truy thu thuế TNDN trên 380,6 tỷ đồng; phạt vi phạm hành chính số tiền trên 15,6 tỷ đồng.

Các trường hợp thanh tra về giá chuyển nhượng nêu trên bị cơ quan thuế điều chỉnh lại giá giao dịch liên kết chủ yếu bị phát hiện do thực hiện các hành vi: Nâng đơn giá mua nguyên liệu, hàng hóa, tài sản cố định từ các bên liên kết lên cao hơn nhiều so với đơn giá trong các giao dịch độc lập khách quan có điều kiện giao dịch tương đồng; hạ đơn giá bán sản phẩm, hàng hoá hoặc hạ đơn giá gia công hàng hoá cho các bên liên kết xuống thấp hơn đơn giá trong các giao dịch độc lập khách quan có điều kiện giao dịch tương đồng; cho bên liên kết vay không tính lãi hoặc tính lãi suất thấp; vay vốn kinh doanh từ bên liên kết với lãi suất cao.

Có ý kiến cho rằng, các DN chuyển giá thường có sự “giúp sức” của một số công ty kiểm toán, nhất là một số công ty kiểm toán lớn. Ông nghĩ sao về điều này?

Đối với các DN FDI theo quy định của pháp luật thì báo cáo tài chính gửi cơ quan thuế phải được kiểm toán. Theo chuẩn mực kiểm toán và kế toán yêu cầu phải trình bày và thể hiện đầy đủ thông tin quan hệ giao dịch liên kết trong phần thuyết minh tài chính và báo cáo kiểm toán. Song, hiện nay, quy định của pháp luật chưa ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán của các DN, dẫn đến chất lượng báo cáo kiểm toán chưa nghiêm túc, thậm chí có trường hợp tổ chức kiểm toán chính là người tư vấn cho DN không phản ánh thông tin hoặc né tránh không phản ánh giao dịch liên kết trên báo cáo kiểm toán.

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của công tác kiểm toán là phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, trung thực. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra hoạt động chuyển giá trong thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện được một số dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số công ty kiểm toán lớn, cụ thể như sau.

Hồ sơ xác định giá thị trường được lập và tư vấn bởi một số công ty kiểm toán quốc tế lớn sau khi DN đã hoàn thành công tác kê khai thông tin giao dịch liên kết với cơ quan thuế. Như vậy, theo quy định của pháp luật thanh tra và pháp luật về quản lý thuế thì các hồ sơ nêu trên, không gắn với công tác kê khai thông tin giao dịch liên kết, không phải là căn cứ chứng minh số liệu kê khai trên tờ khai thông tin giao dịch liên kết, nên phải xác định: là tài liệu giúp DN che giấu hành vi chuyển giá, tránh thuế TNDN.

Ngoài ra, hồ sơ xác định giá thị trường được lập thành nhiều phiên bản khác nhau và lập trong thời gian thanh tra hoặc sau khi đã kết thúc thanh tra tuỳ thuộc vào diễn biến và kết quả thực tế thanh tra đã vi phạm nghiêm trọng về chuẩn mực kiểm toán và đạo đức hành nghề kiểm toán. Có dấu hiệu một số thành viên của công ty kiểm toán đã tư vấn và giúp sức cho DN cản trở quá trình thanh tra: không cung cấp kịp thời hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác thanh tra; không bố trí thành phần làm việc phù hợp với yêu cầu của đoàn thanh tra; không làm việc trực tiếp với đoàn thanh tra để làm rõ về các ý kiến khác nhau mà làm các văn bản báo cáo lên cấp trên của đoàn thanh tra để trông chờ vào sự can thiệp vào kết quả thanh tra, thậm chí có trường hợp báo cáo không đúng sự thật...

Các hành vi sai trái nêu trên là nguyên nhân cản trở quá trình quản lý hoạt động của cơ quan thuế và là nguyên nhân gây thất thu NSNN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN làm ăn chân chính; ảnh hưởng đến các đối tác đầu tư trong nước; đồng thời làm nảy sinh hiện tượng tham nhũng để phân chia lợi ích thu được một cách không hợp pháp…

Theo ông, để kiên quyết hơn trong công tác chống chuyển giá, ngành thuế cần có những biện pháp gì?

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở rộng phạm vi thanh tra hoạt động chuyển giá sang nhiều lĩnh vực khác nhau, Tổng cục Thuế sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp để hạn chế việc lợi dụng tình trạng chuyển giá để tránh thuế.

Cụ thể, cần thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; lựa chọn những công chức có nhiều kinh nghiệm, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ tin học, ngoại ngữ và có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình với công việc để làm việc tại bộ phận chuyên trách này; tích cực đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu về phân tích rủi ro và thanh tra hoạt động chuyển giá cho đội ngũ công chức làm việc chuyên trách về giá chuyển nhượng; tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu so sánh làm cơ sở cho công tác phân tích rủi ro và thanh tra hoạt động chuyển giá.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra đối với các DN có dấu hiệu chuyển giá lớn làm trong sạch môi trường đầu tư và tạo ra sự bình đẳng giữa các DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Đồng thời, tích cực và chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác kiểm soát hoạt động chuyển giá như: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước…; tích cực xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về quản lý hoạt động chuyển giá, công khai danh tính của DN có hành vi chuyển giá nghiêm trọng và các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn, tiếp tay cho DN thực hiện hành vi chuyển giá, tránh thuế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thu (Thực hiện)