Những thương hiệu Việt đầu tiên trên nước Đức
Tôi gọi điện thoại cho anh: Tôi là nhà báo, nhưng mục đích gặp anh chỉ là muốn trò chuyện thôi. Anh “chặn” ngay: "Mình chẳng có gì để kể và cũng chẳng có gì để nói. Những gì mình làm, giờ nó đã là dĩ vãng, cái tuổi trẻ đã qua đi, những hoài bão và ước mơ với mình giờ như nguội rồi"…
Mãi đến khi đề nghị chụp một tấm ảnh lưu niệm, tôi mới thấy nụ cười "nhẹ nhàng" có phần trọn vẹn của anh (Ảnh: Bảo Lan)
Thế mà, tôi vẫn cứ đến, vẫn cứ hy vọng anh sẽ kể cho tôi nghe những điều tôi muốn biết.
Thật chẳng ngoa, khi tôi tìm đến “đại bản doanh” của anh - một văn phòng nằm ngay khu sầm uất giữa lòng Thủ đô Berlin. Đón tiếp tôi, anh - một người đàn ông đạo mạo nhưng có phần lãng tử với nụ cười hiền. Nếu không nói chuyện, sẽ ít ai biết được anh chính là người đã gắn tên của mình với cụm chữ “đầu tiên” trong những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như gốm Bát Tràng, gốm sứ Minh Long, cà phê Trung Nguyên, bia Sài Gòn và với Vietnam Airline; thậm chí, ngay cả với Ngôi nhà Việt (Viethaus) – Một trung tâm thương mại của người Việt giữa Thủ đô Berlin.
Tôi bắt chuyện anh bằng một câu hỏi: Bây giờ, Viethaus chỉ còn là cái bóng, nhưng sao cộng đồng người Việt ở Đức vẫn gọi anh với danh xưng Hùng Viethaus?
Bởi đơn giản: “Viethaus chính là "đứa con tinh thần" của anh, đã cùng anh trải qua bao nhiêu sóng gió và cũng đã cùng anh ở đỉnh điểm của sự huy hoàng”, anh bắt đầu câu chuyện với tôi như thế.
Thế rồi, anh nói như chưa bao giờ được nói, anh kể như chưa bao giờ được kể. Cái tôi thấy lạ đó là những điều anh kể, không phải về bản thân anh hay về gia đình anh, mà những câu chuyện ấy luôn gắn chặt với 2 chữ Việt Nam. Anh bảo: “Làm được gì cho đất nước thì làm, cuộc đời mỗi người cũng chỉ từng ấy năm”.
Trong câu chuyện của anh, đôi mắt lúc ánh lên khi nhắc đến thành công, những sự kiện do anh đứng ra tổ chức và có đại diện lãnh đạo của Việt Nam tham dự; rồi đến những hợp đồng mà người ta làm ăn kiểu “ném đá giấu tay”… những sự việc cứ nối tiếp nhau, như một cuốn phim quay chậm trong hồi ức của anh. Lâu lâu, anh lại thở dài như có gì đó nuối tiếc.
Chị Thủy (người thứ 2 từ phải qua) giận anh "liên khúc", chỉ vì anh đem tài sản gia đình đi làm cái chuyện "bao đồng" (Ảnh: Bảo Lan)
Những cái mà anh bảo trăn trở nhất, là khi anh đặt vấn đề làm đại lý cho các sản phẩm Minh Long, gốm Bát Tràng, bia Sài Gòn hay cà phê Trung Nguyên và thậm chí là cả Vietnam Airline. Những chính sách marketing của các thương hiệu này ở Việt Nam đâu có ít?
Ấy vậy mà, trong các hợp đồng làm đại lý cho họ (PV), thì họ chả bao giờ nhắc tới và thậm chí họ cũng không bao giờ ghi rõ ràng rằng anh là đại lý độc quyền ở Đức. Họ nghĩ đơn giản: Bán là việc của anh, trả tiền cũng là trách nhiệm của anh! Vậy nên, cứ mỗi lần giao hàng và khi anh thanh toán tiền xong, đồng nghĩa với việc họ hết nghĩa vụ. Còn bán được hay không, làm quảng cáo như thế nào, thì không phải là trách nhiệm của họ.
Ngừng lại và hít một hơi thật sâu, anh kể tiếp: Khi sản phẩm của họ được bán lén lút trên nước Đức, anh báo cáo lại thì họ cũng chả quan tâm. Nhưng họ không biết, khi sản phẩm kém chất lượng mang thương hiệu của họ, sẽ không chỉ gây khó khăn cho anh khi làm đại lý cho họ, mà còn giảm niềm tin của khách hàng đối với một thương hiệu Việt Nam tại Đức.
- Vậy lúc ấy, cảm giác của anh thế nào?
- Nghĩ buồn lắm chứ em. Nhưng anh nghĩ, làm gì được cho Tổ quốc thì mình làm thôi.
Bất chợt anh cau mày: Khi sản phẩm còn xa lạ, bị tẩy chay vì có những kiều bào lúc đó, có thể chưa hiểu hết. Vì vậy, hàng hóa bán không được, anh phải cắt lỗ từ chính tiền của cá nhân mình để hoạt động, để làm marketing và dần dần, người Việt rồi người dân Đức cũng quen dần với sản phẩm gốm Minh Long, gốm Bát Tràng, Bia Sài Gòn...
Mãi tới lúc này, tôi mới thấy anh nở nụ cười. Hớp ngụm nước, anh như nhớ về những ngày tháng cũ, đôi mắt xa xăm: "Vào những năn 1990, anh nhớ khi ấy Mỹ Linh, Phương Thanh, Đoàn Thọ… và cả những đoàn nghệ sỹ múa của Việt Nam được anh mời đến Đức biểu diễn, nhằm giúp cộng đồng người Việt hiểu hơn về Tổ quốc mình, tuy nhiên, bên cạnh những người ủng hộ, cũng có không ít người thiếu mặn mà"...
Sau này, anh còn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa khác và mỗi lần anh "góp nhặt" một chút tình cảm của kiều bào cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Đến hôm nay, không ít người đã hiểu và tham gia nhiều hoạt động, mà sau này do anh đứng ra vận động và tổ chức.
Và khát khao “cất cánh” hồn Việt giữa trời Âu
Anh bảo, những ngày tháng ấy với anh thật không thể quên được. Vì nó là tuổi trẻ, là ước mơ và cả khát khao cháy bỏng...
Đại diện Chính phủ Việt Nam đến tham dự Ngày khai trương VietHaus (Ảnh:Bảo Lan)
Hướng về phía một người phụ nữ đang cắm cụi với cái máy tính, anh bảo: “Em nhìn chị Thủy xem - cô ấy hiền như vậy, nhưng cũng không biết bao nhiều lần giận anh vì "sao anh cứ đi làm cái việc “bao đồng” ấy.
Khi thấy vợ giận, anh lại chầm chậm bước từng bước một trong cái chuỗi nhân gian đầy thử thách này.
Bất chợt, anh đưa tay lên ngực và nhỏ giọng: Nhưng “cứ như máu chảy về tim" - anh hứa không rồi anh lại làm. Cứ như thế, hết lần này đến lần khác, anh lại quên lời hứa của mình với vợ, chỉ vì hai chữ: Việt Nam”.
"Em chưa tưởng tượng được, cảnh mà anh cùng những người nhân viên của anh phải dầm mưa, cầm những tờ quảng cáo về Việt Nam để giới thiệu với du khách. Những lần anh phải đứng ra “chịu trận” mưa ném đá của một số người... Nhưng anh nghĩ, chả có gì là dễ dàng cả, cái quan trọng là thái độ và sự quyết tâm. Phải hiểu chúng ta đang làm gì và làm cho ai thì chúng ta sẽ làm được", anh chia sẻ.
Ngưng giây phút, anh nở nụ cười hiền. Đoạn tiếp: "Có lần, một cặp vợ chồng người Đức đã lớn tuổi, tìm đến văn phòng của anh sau khi họ đi du lịch Việt Nam về. Họ bảo cảm ơn anh, vì anh đã cho họ cơ hội để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Còn người vợ thì bảo đó là chuyến đi hạnh phúc nhất, vì bà chỉ nghe đến một đất nước Việt Nam trong chiến tranh và không bao giờ nghĩ mình sẽ được đặt chân đến. Sau đó, ông bà cũng cho biết, đã giới thiệu với rất nhiều bạn bè Đức về đất nước Việt Nam. Phải nói, với anh đó chính là hạnh phúc"...
Ngoài việc giới thiệu những sản phẩm Việt Nam, anh còn tổ chức những cuộc hội thảo và mời lãnh đạo Việt Nam tham dự. Anh tìm và chọn lọc những doanh nghiệp là người Việt Nam và cả doanh nghiệp Đức, hy vọng sẽ là cầu nối để doanh nghiệp hai quốc gia tìm đến nhau.
Tiếc là, có những doanh nghiệp sang dự hội thảo, chỉ cốt để PR cho thương hiệu của doanh nghiệp họ trong nước, chứ thực chất không phải họ đi qua bên Đức để tìm hiểu thị trường và tìm đối tác để hợp tác.
Bầu trời Berlin đang ngả về chiều, sắp chuyển mưa. Tôi chợt nghĩ “bầu trời như hiểu được những trăn trở của nhân vật trong câu chuyện vậy”.
Anh đã phá tan suy nghĩ của tôi: “Hầu như địa phương nào ở Việt Nam mà có đông kiều bào sinh sống tại Đức, cũng đều có tổ chức hội của địa phương đó như Hội người Hà Nội, Hội người Nghệ An… Vì thế, anh cũng “tham vọng” muốn thành lập một hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, để cộng đồng kiều bào có thể hỗ trợ và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; hay có thể tư vấn nếu ai muốn tìm hiểu pháp luật của Đức. Nhưng chỉ vừa nhen nhóm lại “tắt” và sau nhiều năm vẫn chưa có.
Tòa nhà VietHaus nằm giữa trung tâm Thủ đô Berlin, một biểu tượng đẹp của tình hữu nghị Việt - Đức (Ảnh:Bảo Lan)
Nhiều lần tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư, có lãnh đạo cấp cao Việt Nam qua tham dự, anh đều đem ra trao đổi. Nhưng rồi như “lắm sãi chả ai đóng cửa chùa”. Thế nên, càng nghĩ, anh càng thất vọng… Nhưng càng buồn, càng nghĩ, càng day dứt thì anh càng đau đáu với ước mơ của mình.
Và thế là anh nghĩ, anh tìm đủ mọi cách và rồi cuối cùng Ngôi nhà Việt (VietHaus) - một trung tâm thương mại mang thương hiệu Việt nhen nhúm. Một mình anh với đủ thứ việc, từ việc xin giấy phép đầu tư, chạy vốn, tìm đối tác, kiếm khách hàng… Có khi anh nghĩ, mình không đủ sức để đạt được cái ước mơ ấy. Nhưng sau những tháng ngày “ủ thai nghén” thì VietHaus đã chính thức được khai trương vào tháng 4/2008.
VietHaus từ đó trở thành đầu mối giao thương quốc tế của Việt Nam, là điểm đến của nhiều sự kiện quan trọng: Từ hội nghị, xúc tiến thương mại, liên hoan, giao lưu và làm việc của đại diện Chính phủ Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức của Việt Nam, cũng như các buổi gặp gỡ của cộng đồng người Việt, của Đại sứ quán Việt Nam.
Đồng thời, thông qua các hoạt động ở Viethaus, còn giúp bạn bè Đức hiểu biết hơn về lịch sử, đất nước, con người cũng như những nét sinh hoạt văn hóa đa dạng và đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Ngày khai trương VietHaus, nhiều vị lãnh đạo Việt Nam có mặt. Với vai trò là người sáng lập - Chủ tịch Hội đồng quản trị, phải nói là chưa bao giờ anh hạnh phúc như hôm ấy".
Anh ngừng lại, hít một hơi thật dài và mỉm cười... "rộng lượng" hơn. Tôi nghĩ vậy. Vì từ lúc gặp anh, có lẽ đây là nụ cười "trọn vẹn" nhất mà tôi thấy.
Đến tham dự lễ khai trương, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: “VietHaus không chỉ là đại diện của Việt Nam tại Đức, là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị Việt - Đức; mà còn cho cả khu vực châu Âu. Tôi hãnh diện và mong muốn, mỗi nước có cộng đồng người Việt sinh sống, thì sẽ có một VietHaus ra đời”.
Ấy vậy mà họ (những đối tác – PV) đâu có thực hiện những điều đã cam kết? Thực tế, chỉ hoạt động được một thời gian ngắn và vì nhiều khía cạnh khác nhau, anh đã phải bán 49,5% cổ phần của mình cho Công ty Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) và sau đó, VietHaus chẳng tồn tại được bao lâu, thì Tòa án Berlin chính thức đề nghị lập hồ sơ phá sản.
Dừng lại, anh nhìn vào mắt tôi như để xem tôi có cảm nhận đủ những thứ anh đã trải qua khi muốn xây dựng một "tâm hồn Việt", một dấu ấn Việt ngay giữa lòng nước Đức hay không? Anh nói trùng giọng: “Niềm tin mất, tài sản mất và cả cái nhiệt huyết vì một bộ phận người Việt Nam phát triển đã bị mai một. Cả tuổi trẻ, cả thời thanh xuân anh đã cống hiến cho ước mơ, hoài bão của mình, nhưng sau 30 năm bôn ba và "ngụp lặn" - giờ thì anh chả còn gì … ngoài 2 chữ "nuối tiếc”...".
Kết thúc câu chuyện bỏ dở của anh, tôi đã cảm thấy như thế là quá đủ… một người đầy nhiệt huyết, năng nổ, xông pha và giờ anh bảo ý chí anh đã cạn, lực anh cũng không còn, mà nỗi đau đáu vì chưa toại nguyện, chưa làm gì được cho đất nước.
Nói thì nói vậy, nhưng rồi anh lại đưa cho tôi một prochure quảng cáo cho Lễ hội Beer Thế giới - sẽ được diễn ra trong tháng 7 tại Berlin và anh lại tiếp tục là một người đem “Hồn Việt” đến với cộng đồng người Việt, cũng như để “đo gang” cùng với những thương hiệu Berr nổi tiếng.
Anh bảo: “Biết là Beer Việt Nam chả thể nào cạnh tranh, vì Đức là một trong quốc gia có truyền thống về Beer. Nhưng anh muốn đem đến cho du khách quốc tế hình ảnh việt Nam, thông qua những sản phẩm. Như thế với anh, đã là hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi".
Chia tay anh, nỗi day dứt không ít, song niềm vui thì thật nhiều. Bởi ở mãi trời Tây, cách Việt Nam gần nửa vòng trái đất, có những người con luôn hướng về Tổ quốc.
Thật đáng tự hào biết bao...
Ghi chép củaBảo Lan