Bảo vệ danh tiếng và giá trị sản phẩm
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản (từ ngày 04-08/06/2017), thủ tướng chính phủ 02 nước đã ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam Nhật Bản.
Theo đó, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẵn sàng tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt của Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn của Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Điểm 15 của Tuyên bố). Việc chia sẻ và hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý là tiền đề, cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân mở rộng thị trường, bảo vệ danh tiếng và giá trị sản phẩm truyền thống của mỗi quốc gia.
Với định hướng trên, ngày 02/06/2017, Bộ KH&CN giao Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) giao Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB) ký Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản với 03 nội dung chiến lược: (i)/Thúc đẩy việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở 02 quốc gia; (ii)/Trao đổi thông tin về chính sách bảo hộ chỉ dẫn địa lý; (iii)/Tăng cường nhận thức công chúng về chỉ dẫn địa lý.
Thực hiện Bản ghi nhớ, Bộ KH&CN giao Cục SHTT lựa chọn một số sản phẩm để đăng ký thử nghiệm. Sau quá trình khảo sát, Cục SHTT đã lựa chọn 03 sản phẩm dự kiến đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản đó là vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột, trình Bộ xem xét quyết định.
Ngày 06/04/2018, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành QĐ số 795/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt Dự án đặt hàng “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho 03 sản phẩm: Vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020 (Chương trình 68) giai đoạn 2016 - 2020.
Ngày 07/08/2018, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành QĐ số 2217/QĐ-BKHCN phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí và thời gian thực hiện đối với Dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho 03 sản phẩm: Vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột” và giao Cục SHTT là đơn vị chủ trì. Theo đó, dự án bắt đầu triển khai từ tháng 08/2018, dự kiến đến tháng 09/2019 hoàn thành (14 tháng).
Tuy nhiên, do có sự khác biệt về quy định của pháp luật và quy trình xét nghiệm của Nhật Bản, dự án đã phải gia hạn lần thứ tư và kết thúc vào tháng 06/2021 theo QĐ số 3852/QĐ-BKHCN ngày 30/12/2020 của Bộ KH&CN (kéo dài thành 03 năm).
Thiết lập hồ sơ và nộp đơn đăng ký
Nhận thức được tầm quan trọng của dự án, ngay sau khi có đặt hàng từ Chương trình 68, nhóm thực hiện dự án đã nhanh chóng triển khai một số hạng mục công việc như sau:
Xin hướng dẫn, biểu mẫu về hồ sơ đăng ký; tập hợp toàn bộ 03 hồ sơ chỉ dẫn địa lý (bản gốc) đã nộp tại Cục SHTT và các tài liệu liên quan khác do 3 địa phương cung cấp; xây dựng phương án chỉnh sửa, bổ sung tài liệu hồ sơ theo quy định của Nhật Bản; dịch toàn bộ hồ sơ sang tiếng Anh.
Ngày 15/05/2018, Cục SHTT đã tiến hành gửi 12 tài liệu (3 tờ khai đăng ký, 03 bản mô tả, 03 quy chế quản lý quy trình sản suất, 03 quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm) bằng tiếng Anh để tham vấn ý kiến của FIAB trước khi nộp đơn chính thức.
Tháng 06/2018, đại diện FIAB đã sang Việt Nam và tiến hành ngay việc khảo sát, đánh giá đối với vải thiều Lục Ngạn. Sau khi khảo sát và đánh giá hồ sơ tham vấn ban đầu, theo khuyến nghị của FIAB, nhóm thực hiện dự án đã tiến hành chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ và tiến hành nộp chính thức cả 03 hồ sơ đến MAFF vào ngày 26/04/2019 thông qua đại diện Nhật Bản là Seiwa. Ngày 7/6/2019, MAFF công bố số đơn cho 03 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên trạng web của MAFF. Theo đó, đơn số 212 cho cà phê Buôn Ma Thuột; đơn số 213 cho vải thiều Lục Ngạn và đơn số 214 cho thanh long Bình Thuận.
Kể từ ngày công bố đơn (07/06/2019) đến ngày thanh long Bình Thuận được cấp văn bằng bảo hộ (07/10/2019), là giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan đến việc giải thích, chứng minh, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu từ phía Nhật Bản cho cả 03 đơn đăng ký.
Các vấn đề phát sinh rất nhiều, nhưng tập trung chủ yếu ở các nội dung sau: Cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh danh tiếng của sản phẩm (danh tiếng của sản phẩm phải được chứng minh bằng các tài liệu cụ thể, chứ không sử dụng các cụm từ mang tính chất chung chung như “lâu đời”, “tiến vua”…); số liệu phân tích về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm được so sánh trong tương quan với sản phẩm cùng loại của các vùng hay địa phương khác phải là số liệu được cập nhật mới nhất.
Đây thực sự là một trở ngại, vì kết quả số liệu phân tích của 03 hồ sơ đăng ký đều có từ rất lâu và không được cập nhật. Theo đó, kết quả chỉ rõ đâu là đặc tính riêng của sản phẩm và yếu tố nào (cụ thể) tác động đến tính chất, chất lượng đặc thù đó. Tài liệu chứng minh kỹ thuật sản xuất sản phẩm ổn định trong vòng ít nhất là 25 năm; tài liệu chứng minh quy chế quản lý quy trình sản xuất của sản phẩm phải được vận hành một cách hiệu quả; tài liệu chứng minh sự đảm bảo quyền được tham gia hội một cách công bằng, minh bạch, không có sự hạn chế hay ép buộc hoặc cản trở nào với tất cả những người sản xuất sản phẩm.
Trong quá trình xem xét hồ sơ, cơ quan FIAB tổ chức các đoàn công tác đến Lục Ngạn (Bắc Giang), Bình Thuận và Buôn Ma Thuột để khảo sát thực địa, đối chiếu, so sánh giữa hồ sơ đăng ký với thực tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Đây là vấn đề rất khác so với chúng ta.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, theo yêu cầu của Nhật Bản, dưới sự chỉ đạo của Cục SHTT, nhóm thực hiện dự án đã thường xuyên trao đổi với đại diện cơ quan FIAB; phối hợp với địa phương (sở KH&CN các tỉnh Bắc Giang, BìnhThuận và Đắk Lắk), các hội, hiệp hội; thực hiện nhiều cuộc tham vấn với các tổ chức, cá nhân để tìm kiếm thông tin, cũng như tiến hành điều tra, phân tích sản phẩm.
Nguyên nhân của việc phải giải trình, chỉnh sửa, bổ sung rất nhiều nội dung nêu trên, theo yêu cầu của phía Nhật Bản là bởi: Hồ sơ đăng ký 03 chỉ dẫn địa lý gốc tại Việt Nam của vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột đều là những hồ sơ từ lâu và không được cập nhật, đồng thời các phân tích đánh giá thời kỳ đó còn sơ sài. Cả 03 hồ sơ gốc đều không chỉ ra đươc đâu (yếu tố nào) của tự nhiên hay con người tác động đến tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.
Tại Việt Nam, chưa có những dự án, đề tài nghiên cứu sâu về 03 sản phẩm nêu trên. Các hồ sơ tài liệu tìm được, đều là những nghiên cứu chung chuyên về giống và đất trồng, chứ không phải là những nghiên cứu sâu có thể sử dụng để đăng ký chỉ dẫn địa lý. Một số tài liệu tìm được và xác định là có giá trị bổ trợ cho hồ sơ đăng ký, nhưng khi phía Nhật Bản yêu cầu cung cấp lý lịch của tác giả thì không tìm được.
Một số khuyến nghị - những bài học kinh nghiệm
Quá trình triển khai Dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho 03 sản phẩm: vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột” - đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm, từ lựa chọn sản phẩm, xây dựng hồ sơ đăng ký đến phương pháp làm việc, quản lý chỉ dẫn địa lý một cách khoa học, nghiêm túc, cụ thể.
Thời gian tới, sẽ có nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như Nhật Bản, nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc xem xét, nghiên cứu một cách thấu đáo các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án - là việc làm hết sức cần thiết.
Để việc đăng ký chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản đảm bảo thuận lợi, theo luật sư Nguyễn Bá Hội, cần lưu ý một số vấn đề sau.
Thứ nhất, chọn lựa đúng sản phẩm đăng ký: Đăng ký chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản là một chuỗi các hoạt động khó khăn, phức tạp và tốn kém về chi phí, khác rất nhiều với nhãn hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý không phải là đăng ký để giữ chỗ. Vì vậy, chỉ tiến hành đăng ký với những sản phẩm: Có danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù rõ rang; danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm phải có khả năng chứng minh được bằng các chứng cứ, tài liệu khoa học cụ thể và rõ ràng; đã hoặc có khả năng thương mại tốt tại thị trường Nhật Bản.
Thứ hai, xác định chủ sở hữu: Do quy định về chủ sở hữu và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý có sự khác biệt (phía Việt Nam là nhà nước, phía Nhật Bản là của tập thể nhà sản xuất), vì vậy, các địa phương cần xem xét việc trao quyền đăng ký và quản lý cho các tổ chức tập thể tại địa phương (hội, hiệp hội, HTX…) cùng thời điểm với việc lựa chọn sản phẩm đăng ký.
Thứ ba, nghiên cứu hồ sơ và xác định chi phí: Sau khi lựa chọn sản phẩm đăng ký, xác định chủ sở hữu, hồ sơ, tài liệu gốc của chỉ dẫn địa lý lựa chọn đăng ký tại Việt Nam, cần được nghiên cứu chi tiết và đối chiếu với các quy định của Nhật Bản để xác định những vấn đề còn thiếu, phải nghiên cứu bổ sung. Trên cơ sở đó, xác định chi phí cần phải có để thực hiện, tránh dự án phải bổ sung kinh phí trong quá trình triển khai, hoặc dự án không tiếp tục được do không đủ kinh phí.
Thứ tư, lựa chọn đại diện: Cũng như tại Việt Nam, việc đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung, chỉ dẫn địa lý nói riêng đều phải thực hiện qua một tổ chức đại diện của Nhật Bản. Để việc đăng ký chỉ dẫn địa lý đảm bảo thành công, tiết kiệm được chi phí, cần phải lựa chọn được một tổ chức đại diện có kinh nghiệm của Nhật Bản (tốt nhất là có kinh nghiệm đăng ký chỉ dẫn địa lý nước ngoài vào Nhật), để họ hỗ trợ một cách hiệu quả.
Thứ năm, cần có cơ chế đặc thù: Đăng ký chỉ dẫn địa lý sang Nhật Bản là một chuỗi các hoạt động với rất nhiều nội dung phải thực hiện thông qua dịch vụ của một tổ chức (đại diện sở hữu công nghiệp) nước ngoài. Do vậy, hầu hết các khoản chi không thể áp dụng theo định mức quy định của Việt Nam. Hơn nữa, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài nói chung và đăng ký chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản nói riêng thường được sử dụng kinh phí từ NSNN theo hình thức “dự án”.
Do thực hiện theo “dự án” mà lại là “dự án” khoa học nên thường có thời hạn theo quy định, đây thực sự là một thách thức không nhỏ. Kinh nghiệm của 3 chỉ dẫn địa lý vừa qua, thấy rằng, các xét nghiệm viên của Nhật Bản không đồng thời xem xét cùng lúc 3 hồ sơ mà họ lần lượt xem từng hồ sơ một. Vì vậy, với đăng ký chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản nói riêng và ra nước ngoài nói chung, các địa phương cần có cơ chế đặc thù, cả về tài chính và thời gian thực hiện cho phù hợp.
Thứ sáu, tiếp đoàn Nhật Bản: Là hoạt động không bắt buộc, theo quy định của Nhật Bản, xét nghiệm viên có thể đến thực địa để kiểm chứng hoặc mời đại diện chủ sở hữu đến Nhật Bản để giải trình nếu cần. Trên thực tế, cho đến nay, phía Nhật Bản đều cử các xét nghiệm viên đến thực địa để trực tiếp khảo sát, đánh giá. Vì vậy, các địa phương cần lưu ý: Thời vụ của sản phẩm để họ sang đúng mùa vụ. Người Nhật vốn rất tỉ mỉ, cẩn trọng nên cần phải chuẩn bị các tài liệu thật chu đáo, cụ thể, nhất là các tài liệu liên quan đến kỹ thuật sản xuất sản phẩm, quy trình quản lý quá trình sản xuất…
Thứ bảy, cập nhật số liệu và chế độ báo cáo: Khác với Việt Nam, chỉ dẫn địa lý được đăng ký tại Nhật Bản phải được thường xuyên cập nhật số liệu mới nhất, mọi thay đổi từ sản phẩm, tổ chức quản lý, con người quản lý phải được báo cáo đến MAFF. Thời hạn báo cáo là 31/03 hằng năm. Nếu quá thời hạn trên mà chủ sở hữu không báo cáo, sẽ phải nộp phạt 300.000 yên (tương đương 70 triệu VND).
Đến nay, 02 chỉ dẫn địa lý đã được Nhật Bản cấp văn bằng bảo hộ là: Vải thiều Lục Ngạn cấp ngày 12/03/2021 văn bằng số 107 và Thanh long Bình Thuận cấp ngày 07/10/2021 văn bằng số 110. Cà phê Buôn Ma Thuột hiện đang trong quá trình giải trình, sửa đổi, bổ sung nhưng do dự án phải kết thúc nên toàn bộ hồ sơ, tiến trình giải trình, theo dõi được báo cáo UBND tỉnh Đắc Lắk và chuyển về địa phương để địa phương tiếp tục thực hiện, Cục Sở hữu trí tuệ và tư vấn tiếp tục đồng hành cùng địa phương.
Xét tổng thể, các quy định về đăng ký, bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và Nhật Bản, cơ bản là tương đồng, mục tiêu đều hướng đến bảo vệ, phát huy giá trị của một sản phẩm đặc sản mang tính bản địa của một địa phương, khu vực. Tuy nhiên, do mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng, trình độ phát triển khác nhau, vì thế, bên cạnh sự tương đồng có một số khác biệt trong các quy định, cần lưu ý...
Minh Anh