Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 10 đơn đăng ký, 2 đơn yêu cầu sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và cấp 12 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.
Khác với những năm trước đây, các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý trong năm 2021 đa dạng hơn về chủng loại; trong đó sản phẩm thủy hải sản chiếm ưu thế với tỷ lệ 41,7% (bao gồm cua biển Bến Tre, tôm càng xanh Bến Tre, cá bỗng Hà Giang, tôm sú Cà Mau và ốc hương Khánh Hòa); các sản phẩm chế biến chiếm tỷ lệ 33,3% (bao gồm chè shan tuyết Na Hang, miến dong Bắc Kạn, tiêu Đắk Nông và chè shan Phình Hồ); 16,7% còn lại là hoa quả và dược liệu (bao gồm bưởi Soi Hà và sâm nam Núi Dành).
![Ốc hương Khánh Hòa Ốc hương Khánh Hòa](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/01/23/nuoi-oc-huong-3-1642924077.jpg)
Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam bảo hộ thêm 1 chỉ dẫn địa lý cho Nhật Bản với sản phẩm quả hồng sấy khô Ichida, đây là một trong những kết quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản về cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý của hai nước.
Trong số đó, phần lớn các tổ chức nộp đơn đăng ký và quản lý các chỉ dẫn địa lý vẫn là các cơ quan nhà nước, bao gồm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ (10/12 chỉ dẫn địa lý). Chỉ có 1/12 chỉ dẫn địa lý do hội nghề nghiệp nộp đơn và quản lý (chỉ dẫn địa lý ốc hương Khánh Hòa của Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa).
Đặc biệt, với những nỗ lực trong thúc đẩy đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận lần lượt trở thành những sản phẩm đầu tiên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản.
Năm 2021 cũng là năm biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, trở thành công cụ kiểm soát, dấu hiệu nhận diện cho người tiêu dùng, công cụ quảng bá sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Anh Minh