TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV
Theo ông, để đạt được những mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020, Chính phủ cần có những giải pháp gì?
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 - được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2019.
Để đạt được những mục tiêu mà nghị quyết đề ra, theo tôi, Chính phủ cần quyết liệt trong điều hành nhằm sớm khắc phục những điểm nghẽn trong tăng trưởng năm 2020, củng cố các động lực tăng trưởng từ nội tại.
Đặc biệt, cần cải thiện ngay điểm nghẽn đầu tư công và các bộ ngành (đầu mối là Bộ Công Thương) cần chủ động theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của cuộc chiến thương mại; đưa ra giải pháp, kịch bản kịp thời và phù hợp.
Trong đó, chú ý các giải pháp đa dạng hóa thị trường, khai thác các FTA đã ký kết (nhất là CPTPP, thúc đẩy hiệu lực EVFTA...); tập trung phát triển thị trường trong nước; kiên quyết đấu tranh chống gian lận, đội lốt thương mại và đầu tư.
Có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần phải làm rõ hơn căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng GDP thông qua các yếu tố đóng góp vào GDP năm 2020 (chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tích lũy tài sản, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình…). Ông nhìn nhận ra sao vấn đề này?
Về lý thuyết, có 3 phương pháp tính GDP, bao gồm: Phương pháp sản xuất (tổng cung); phương pháp sử dụng (tổng cầu) và phương pháp thu nhập.
Tôi được biết, Tổng cục Thống kê tính toán và công bố GDP theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng theo quý và năm; trong đó, số liệu GDP theo phương pháp sản xuất là số liệu chính thức và được dùng để điều chỉnh số liệu GDP tính theo phương pháp sử dụng.
Chính phủ yêu cầu àm rõ hơn các căn cứ, động lực tăng trưởng GDP năm 2020 theo phương pháp sử dụng.
Tôi nghĩ, sẽ tốt hơn nếu Chính phủ có thể làm rõ căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng GDP theo cả 2 phương pháp (sản xuất và sử dụng) như nêu trên, cũng là cách để khiến cho độ tin cậy của các con số thống kê vĩ mô cao hơn, thuyết phục hơn.
Vậy, những thách thức nào đặt ra cho kinh tế Việt Nam năm 2020 và ông có khuyến nghị gì để vượt qua những thách thức này?
Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt không ít thách thức, xuất phát từ môi trường bên ngoài và cả nội tại bên trong.
Hiện nay, các tổ chức quốc tế và chúng tôi đều nhận định 3 rủi ro chính. Đó là: Căng thẳng thương mại giữa các nước lớn (nhất là Mỹ -Trung...) vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, nhất là các nước lớn như Trung Quốc, khu vực châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến khó lường. Những rủi ro này có sự tác động đối với thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Đối với những thách thức này, theo tôi, chúng ta cần theo dõi sát sao, đánh giá tác động của diễn biến căng thẳng thương mại, địa chính trị thế giới và xây dựng các kịch bản dự báo ứng phó chủ động, kịp thời.
Chủ động đa dạng hóa quan hệ đầu tư, thương mại với các thị trường mới, song song với việc duy trì và thúc đẩy mối quan hệ với các thị trường truyền thống nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực khi các thị trường này có sự thay đổi đột biến. Đồng thời, tập trung cải cách nội tại và chú trọng khai thác thị trường trong nước.
Những thách thức từ nội tại, tập trung chủ yếu vào 5 nhóm vấn đề là thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giải ngân đầu tư công và khả năng chống chịu trước những cú sốc bên ngoài. Cụ thể như sau.
Thứ nhất, cải cách thể chế của Việt Nam có tiến triển (năm 2019 tăng 5 bậc, từ 94 lên 89/140 theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tuy nhiên còn chậm và chưa đạt so yêu cầu đề ra của Chính phủ khi các văn bản hướng dẫn luật, các thể chế phát triển kinh tế số còn chậm ban hành, các quy định kiểm tra chuyên ngành đối với một số lĩnh vực, ngành nghề còn gây khó khăn cho doanh nghiệp (sản phẩm sữa, dược liệu, dệt may...).
“Báo cáo môi trường kinh doanh 2020” của WB đã đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa có được sự cải thiện rõ rệt (tăng 1,4 điểm nhưng giảm 1 bậc) là một minh chứng cho thấy Chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn nữa.
Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cần có cách tiếp cận mới trong hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách dựa trên cơ sở khoa học để thuyết phục, phù hợp hơn, hết sức chú trọng đến tính minh bạch và giải trình; doanh nghiệp cần áp dụng chuẩn mực quản trị doanh nghiệp theo các nguyên tắc của OECD.
Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoặc cụ thể hóa thể chế cho thu hút chọn lọc đầu tư nước ngoài (thực hiện Nghị quyết 50 về thu hút FDI của Bộ Chính trị ban hành tháng 8/2019), phục vụ phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn - sẽ là động lực quan trọng và thức thời thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng của Việt Nam dù được cải thiện, song vẫn được đánh giá còn nhiều yếu kém khi khảo sát của WEF cho thấy thứ hạng về cơ sở hạ tầng ở mức thấp (xếp thứ 77/140).
Cụ thể, chất lượng mạng lưới đường bộ (xếp hạng 104 với mức điểm 63,3); chất lượng hạ tầng đường bộ (xếp hạng 103 với 40,1 điểm); hiệu quả dịch vụ vận tải hàng không vẫn ở mức thấp (xếp hạng 103 và đạt 49,7 điểm).
Do đó, Việt Nam cần coi phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng là một trong những đột phá chiến lược ưu tiên để xóa bỏ điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất cho ngành vận tải - kho bãi, có tầm nhìn gắn với liên kết vùng, tạo động lực và lan tỏa phát triển.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực (bao gồm nâng cao chất lượng lao động và phát triển thị trường lao động) được đánh giá là bài toán khó - cần sớm có lời giải để kinh tế Việt Nam có thể thay đổi chất lượng và cơ cấu nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, cũng như sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức sản xuất mới.
Do vậy, cần tập trung vào các nhóm chính sách thúc đẩy tăng năng suất lao động, các yếu tố tổng hợp (TFP), nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành nghề và nền kinh tế.
Trong đó, hết sức chú trọng vào yếu tố kỹ năng (tụt 6 bậc từ 97 xuống 103/140 theo WEF 2019), năng lực đổi mới sáng tạo (tăng 6 bậc từ 82 lên 76/140, nhưng vẫn là mức thấp) nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay.
Thứ tư đó là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Như trên đã nêu, vẫn là một điểm nghẽn, trong bối cảnh vốn đầu tư công tương đương khoảng 10,7% GDP và chiếm 32% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Theo đó, quyết liệt cải cách khâu lập kế hoạch, giao kế hoạch, giải phóng mặt bằng, thẩm định và phê duyệt dự án, năng lực chủ đầu tư và nhất là công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm quyết định của người đứng đầu.
Cuối cùng, khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài vẫn còn yếu như đã phân tích ở trên.
Rõ ràng, trong bối cảnh nhiều biến động, rủi ro, việc tăng sức đề kháng của nền kinh tế, doanh nghiệp, tập trung vào những điểm bất cập nêu trên... cần hết sức chú trọng, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
Hiền - Chinh (Thực hiện)