Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Kinh tế Việt Nam “bứt phá” - tạo đà cho 2022

Dù hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thể hồi phục nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực như: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng cao, xuất siêu tiếp tục quay trở lại, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ… cho thấy bức tranh kinh tế đang tươi sáng trở lại, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và bắt đầu tạo được động lực mạnh mẽ cho thời gian tiếp theo.

 

Bức tranh kinh tế đang tươi sáng trở lại
Bức tranh kinh tế đang tươi sáng trở lại.

Sản xuất công nghiệp khởi sắc

Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã tấn công mạnh vào các khu công nghiệp - điểm xung yếu của ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng, đe dọa đứt gãy chuỗi sản xuất quy mô lớn trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, với chủ trương của Chính phủ là tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.

Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 6%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Tín hiệu lạc quan hơn nữa khi nước ta đã có tháng xuất siêu thứ 3 liên tiếp với cán cân thương mại thặng dư khoảng 100 triệu USD. Ước tính tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5%.

Dự báo về chỉ số sản xuất công nghiệp cuối năm 2021, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020. Con số này mặc dù thấp hơn chỉ tiêu ngành Công Thương đặt ra ban đầu (IIP tăng 8 - 9%) nhưng cũng đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất.

Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài, cho hay, đơn vị sẽ tập trung công tác bảo đảm an toàn phòng dịch phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; đề xuất hỗ trợ chính sách về tài chính, tín dụng, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, tập trung cho việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp…

Doanh nghiệp dần quay trở lại

Tính riêng tháng 11, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Theo Tổng cục Thống kê, kết quả này cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP.

Cụ thể, trong tháng 11/2021, có 11,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 149,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 76,6 nghìn lao động, tăng 44,6% về số doanh nghiệp, tăng 38% về vốn đăng ký và tăng 30,2% về số lao động so với tháng 10/2021. Cũng trong tháng 11, Việt Nam có 4.958 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,2% so với tháng trước, song vẫn giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng cục Thống kê cho hay, mặc dù có sự cải thiện đáng kể so với tháng 10/2021, song so với cùng kỳ năm 2020 vẫn giảm 9,1% về số doanh nghiệp, giảm 47,4% về số vốn đăng ký và giảm 36% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng chỉ đạt 12,6 tỷ đồng, giảm 4,5% so với tháng trước và giảm 42,1% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,45 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động, giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả 2,22 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 38,8 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm nay là 3,67 triệu tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,7% so với 11 tháng năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh những kết quả trên, phải kể đến một số tín hiệu rất tích cực nữa của kinh tế, đó là: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 397.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước; dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn được duy trì ổn định với 26,46 tỷ USD tính từ đầu năm; CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội (Hanoisme) cho biết, chính sách để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau những tổn hại từ đại dịch cần được tính toán và ưu tiên hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Covid-19 đã khiến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như: Y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc bị ngừng hoạt động. 

Để phục hồi sản xuất, hiện các doanh nghiệp đều mong mỏi chờ đợi một gói kích cầu tổng thể, trong đó có gói vay lãi suất rẻ hơn hiện tại 3 - 4%. Theo ông Mạc Quốc Anh, mức vay phổ biến của doanh nghiệp nhỏ và vừa dao động 6 - 8%/năm. Dòng tiền là “máu” của doanh nghiệp nên họ đều mong mỏi được vay với mức lãi suất rẻ để phục hồi hoạt động.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc
Sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc.

Thách thức năm 2022

Tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” diễn ra mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy, các doanh nghiệp cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình. Với những hỗ trợ tích cực của Chính phủ cùng nỗ lực của mình, trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi kinh tế tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, yếu tố then chốt quyết định mức độ phục hồi kinh tế Việt Nam trong năm 2022 bao gồm: Dịch Covid-19, bắt nhịp với đà phục hồi của các nền kinh tế, sự hỗ trợ của Nhà nước và bắt nhịp với những xu thế phát triển mới.

“Cho đến nay, các dự báo tăng trưởng 2 năm tới của thế giới có thể chậm lại và không đồng đều giữa các quốc gia, nhưng đà phục hồi khá rõ ràng. Theo đó, các thị trường mạnh về đầu tư, lớn về thị trường là các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ đều cho thấy dấu hiệu phục hồi”, TS. Võ Trí Thành lạc quan.

TS. Võ Trí Thành cho thông tin thêm, tin mừng là Chính phủ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ, thậm chí đang tính tới gói hỗ trợ lên tới 10% GDP. Nếu thực thi tốt chương trình hỗ trợ này thì kinh tế có thể được hỗ trợ thêm 1 - 1,5 điểm % và doanh nghiệp có thêm cơ hội phục hồi nhanh chóng.

Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch Đầu tư) nhận định: Nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi tích cực từ năm 2022, qua đó thúc đẩy thương mại hàng hóa và đầu tư. Cùng với các chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ trong bối cảnh mới thích ứng linh hoạt với đại dịch, thúc đẩy hồi phục và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi khởi sắc trong năm 2022.

Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành mới đây nêu rõ: Về mục tiêu tổng quát, cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn; kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số công trình trọng điểm quốc gia; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân…

Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định); đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước để tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác; điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngay từ khi lập, giao và thực hiện dự toán để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Một số chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2022 được đưa ra trong Nghị quyết số 32/2021/QH15: GDP năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5 - 25,8%; CPI bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%.

Bùi Quyền

Bài liên quan

Tin mới

Ngân hàng Mỹ không lạc quan về sự tăng giá của bất cứ đồng tiền nào tại Châu Á
Ngân hàng Mỹ không lạc quan về sự tăng giá của bất cứ đồng tiền nào tại Châu Á

Ngân hàng Mỹ (BofA) khẳng định trong báo cáo mới nhất rằng: “Chúng tôi không lạc quan về sự tăng giá của bất cứ đồng tiền nào tại Châu Á”. Vậy, dự báo của BofA về các đồng tiền của Châu Á ra sao?

Việt Nam cam kết thúc đẩy hoàn thành đúng hạn các Mục tiêu phát triển bền vững
Việt Nam cam kết thúc đẩy hoàn thành đúng hạn các Mục tiêu phát triển bền vững

Tại Khóa họp thường niên lần thứ 80 của ESCAP, diễn ra ở Thái Lan, Việt Nam nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hoàn thành đúng hạn Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững.

Giá tiêu hôm nay 26/4: Giảm 500 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 26/4: Giảm 500 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 26/4, giá tiêu giảm 500 đồng/kg tại một số tỉnh thành trên cả nước. Hiện mức giá dao động quanh ngưỡng 96.000 đồng/kg – 97.000 đồng/kg.

Hai phiên đấu thầu vàng bị hủy: Điều kiện chưa đủ hấp dẫn?
Hai phiên đấu thầu vàng bị hủy: Điều kiện chưa đủ hấp dẫn?

Hai phiên đấu thầu vàng đã bị hủy chỉ trong vài ngày do không đủ số lượng đơn vị tham gia. Chuyên gia cho rằng, nếu các điều kiện đấu thầu được NHNN sửa lại cho đủ hấp dẫn, doanh nghiệp có thể cân đối được rủi ro thì sẽ có nhiều tổ chức tham gia đấu thầu vàng hơn.

Giá heo hơi hôm nay 26/4: Duy trì ổn định
Giá heo hơi hôm nay 26/4: Duy trì ổn định

Giá heo hơi hôm nay 26/4, giá heo hơi đi ngang tại các tỉnh trên cả nước. Hiện giá heo dao động từ 60.000 - 64.000 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay 26/4: Tăng lên 132.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 26/4: Tăng lên 132.000 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay, ngày 26/4, giá cà phê tăng thêm 2.700 - 3.300 đồng/kg. Giá cà phê hiện tại tăng lên 132.000 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 132.200 đồng/kg.