Kinh tế phát triển tương đối khả quan
Chúng ta điểm qua những chỉ tiêu chính tiêu biểu cho những diễn tiến kinh tế vào 6 tháng cuối năm. Nằm trong khu vực năng động của Đông Nam Á, Việt Nam vẫn đang đạt được mức phát triển tương đối khả quan do những lợi thế về thương mại toàn cầu tăng trưởng mạnh, chi phí vốn thấp, duy trì được dòng vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) tốt, ổn định về chính trị, các chính sách vĩ mô đang có nhiều chuyển biến tích cực là nền tảng cho những dự báo khả quan trong 6 tháng cuối năm 2018.
Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đặt trong bối cảnh căng thăng thương mại leo thang giữa Mỹ - Trung. Xét về góc độ thương mại, Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ, đồng thời nhập siêu từ Trung Quốc từ nhiều năm...
Khi quan hệ giữa Mỹ - Trung căng thẳng, khả năng Trung Quốc sẽ điều chỉnh cơ cấu, gia tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam cũng như gia tăng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam để lấy xuất xứ hàng Việt cũng là một lợi thế cho Việt Nam về thương mại.
Tuy nhiên, đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới GDP, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) dự báo, đến năm 2021-2023, tác động của chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc sẽ ngấm sâu vào kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động. Theo dự đoán, năm 2021 GDP của Việt Nam giảm 0,12%.
Nhưng về cơ bản, kinh tế vĩ mô Việt Nam được đánh giá vẫn phát triển mạnh mẽ bất chấp rủi ro toàn cầu đang gia tăng. Nhiều lĩnh vực vẫn có tiềm năng phát triển cao, đặc biệt trong ngành công nghiệp và xây dựng, bất động sản, du lịch và ngân hàng.
Chỉ số GDP: Đang có nền tảng tốt
Theo dự báo mới nhất của World Bank, GDP Việt Nam năm 2018 có triển vọng đạt mức 6,8% (xem hình 1), giảm nhẹ so với mức 6,81% năm 2017 và vẫn đang nằm trong top tăng trưởng của khu vực châu Á. Trong 6 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 7,08% (7,5% trong quý I và giảm nhẹ xuống mức 6,8% trong quý II) và đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất kể từ năm 2011.
Kết quả đạt được nhờ sự phát triển đồng đều và vững chắc của các lĩnh vực của nền kinh tế: sản xuất công nghiệp, xây dựng, bất động sản du lịch và dịch vụ. Bên cạnh đó, các lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp vẫn có tăng trưởng tốt so với năm trước.
Chỉ số FDI: Điểm sáng của nền kinh tế
Việt Nam tiếp tục thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 16,2 tỷ USD. Đây chính là nguồn lực quan trọng để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng trong khu vực châu Á và thế giới trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, FDI từ Nhật đạt 6,47 tỷ USD, Hàn Quốc 5,1 tỷ USD, Singapore đạt gần 2,39 tỷ USD.
Có hai điểm nổi bật về FDI trong 6 tháng đầu năm. Một là tốc độ tăng trưởng vốn đăng ký FDI liên tục gia tăng trong 6 tháng đầu năm (xem hình 2). Hai là dòng vốn FDI đang tăng dần vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và sản phẩm để xuất khẩu. Gia tăng của dòng vốn FDI đã giúp Việt Nam hướng đến cán cân thương mại ngày càng cân bằng. Đạt được kết quả nêu trên là nhờ vào nền tảng môi trường đầu tư kinh doanh tốt.
Bên cạnh đó, FDI 6 tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019 còn nhiều kỳ vọng hơn nhờ vào Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ được phê chuẩn trong năm 2018 và có hiệu lực vào năm 2019. EU là thị trường xuất khẩu số 2 của Việt Nam trong năm 2017 (chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu) và vẫn giữ vị trí thứ 2 trong 6 tháng đầu năm 2018 (chiếm 18%).
Ngoài ra, việc tham gia vào Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng là yếu tố tích cực giúp việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hỗ trợ xuất nhập khẩu và thương mại trong khối. Do đó, vẫn nhiều dự báo lạc quan về dòng vốn FDI trong 6 tháng cuối năm 2018 và cả năm 2018 có thể là năm thu hút vốn FDI cao nhất trong 10 năm qua.
Chỉ số CPI: Duy trì ở mức cân bằng
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 6 tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 2,22% so với tháng 12.2017 và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so bình quân cùng kỳ năm 2017. Sự gia tăng của người tiêu dùng có thu nhập cao, sẵn sàng chi trả cho đồ dùng, chi tiêu mua sắm và ăn uống, nhờ đó nhìn chung chỉ số CPI tăng đang phản ảnh bức tranh kinh tế tăng trưởng tốt, mặt bằng chung chất lượng cuộc sống đã cao hơn so với giai đoạn 2016-2017.
Giá dầu và giá thực phẩm là nguyên nhân khách quan tác động trực tiếp đến việc tăng của chỉ số CPI, đầu và giữa năm 2018 giá dầu thế giới dao động quanh mức 65-70 USD/thùng đồng thời cũng là mức trung bình cao của 5 năm qua. Dự báo giá dầu trong năm 2018 vẫn dao động quanh mức cao ở 68-78 USD/thùng (nếu không có thêm những căng thẳng về chính trị khác trên thế giới) thì chỉ số CPI của Việt Nam sẽ diễn tiến thấp hơn mức lạm phát chỉ tiêu được Quốc hội đặt ra là 4%.
Tín dụng: Trọng tâm tăng trưởng đã ở đầu năm
Phát triển tín dụng ở mức cao, nhưng đang trên đà chậm lại. Tính đến ngày 20/6, tín dụng tăng 6,4% so với cuối năm 2017, so với mức tăng 7,5% của cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng hằng năm tăng dần từ mức thấp 8,9% năm 2012 lên mức 18,2% vào cuối năm 2017 nhờ sự mở rộng sản xuất và nhu cầu đầu tư trong nước.
Tín dụng tăng chậm lại có phần tích cực do nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu và cổ phiếu trong năm 2018. Nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết đã dễ dàng huy động được vốn chủ sở hữu và huy động các công cụ nợ không thông qua hoạt động tín dụng. Nếu đều này được duy trì, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong tương lai.
Dựa trên các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế, thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2018 được dự đoán vẫn duy trì quan điểm tích cực, đạt khoảng 1.050-1.100 điểm vào cuối năm 2018.
Bảo Ngọc (T/h)