Một năm 2020 qua đi với đầy biến động do COVID-19. Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức gần 3%. Đây là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất thế giới, tạo đà cho một năm 2021 hứa hẹn tăng trưởng phục hồi trở lại ấn tượng. Năm 2021 cũng được dự báo là một năm của sự phục hồi kinh tế thế giới hậu dịch COVID-19 và các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng. Trong đó kinh tế dự báo hồi phục mạnh nhất từ 6,5 - 6,8%.
Báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế đều đánh giá khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại là đòn bẩy cho cuộc lội ngược dòng của Việt Nam, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng năm 2021.
"Chính phủ đã tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng, đường xá, cảng biển... hỗ trợ rất lớn cho hoạt động kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ rất lớn cho dòng chảy thương mại với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do. Hiện Việt Nam đang chi 5,7% GDP cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Đây là mức cao nhất trong khu vực. Cùng với dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam", ông Brian Spence, Đồng sáng lập, Công ty S&P Investment, nhận định.
"Chúng tôi ấn tượng với con số tăng trưởng năm nay bởi Việt Nam vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phải đối mặt với mức độ suy giảm kinh tế của toàn cầu do các thị trường xuất và nhập khẩu đều bị ảnh hưởng mạnh. Nhưng cả hai chiến trường dịch bệnh và kinh tế, Việt Nam đều đã làm rất tốt điều này. Đây sẽ là điểm tựa để kinh tế Việt Nam trở lại đà tăng trưởng như trước", ông Jean-Jacues Bouflet, Phó Chủ tịch Euro Charm, nói.
Tờ Nikkei của Nhật Bản tổng hợp các chỉ báo tăng trưởng quốc tế lấy số liệu năm 2019 là mốc 100, cho thấy Việt Nam là 1 trong 3 nước Đông Nam Á đạt trên 100 điểm, nghĩa là Việt Nam sẽ tăng trưởng trong năm 2021 cao hơn so với trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
"Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh như hiện nay, triển vọng sẽ mở ra trong năm tới cho những ngành như dịch vụ, du lịch, tiêu dùng. Với nhóm thu nhập trung bình tăng cao sẽ là lợi thế rất lớn thị trường nội địa. Việt Nam tiếp tục là một trong những trung tâm dòng chảy thương mại. Vấn đề là các doanh nghiệp nội địa có tham gia vào chuỗi giá trị, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu giá trị cao", ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khẳng định.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 như một phép thử khắc nghiệt nhất, nhưng Việt Nam là một ngoại lệ khi đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công. Những chủ trương và chính sách điều hành linh hoạt, chuẩn xác, kịp thời của Đảng và Chính phủ đã đưa con thuyền Việt Nam vượt "giông tố" ngoạn mục…, tiếp tục thể hiện vai trò là trung tâm của dòng chảy thương mại, tự cường trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Trúc Mai