Kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn và tương lai bất trắc. (Ảnh minh họa)
Sáng 21/7/2020, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý II và sáu tháng đầu năm 2020". Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).
Nhiều ngành phục hồi tương đối tốt
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong Quý 2/2020, đạt 0,36% . Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 1,81%. Trong Quý 2/2020, khu vực dịch vụ giảm 1,76% tăng 9,59% so với Quý 1/2020.
Ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, mặc dù còn một số hoạt động dịch vụ chưa được phép mở cửa trở lại nhưng ngành dịch vụ đã phục hồi tương đối và đạt được mức tăng trưởng tốt so với quý trước. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng 2,95%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,3%; thông tin và truyền thông tăng 7,5%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 10%. Số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh trong Quý 2 với 57 nghìn lượt người, chỉ bằng 1,4% so với cùng kỳ năm trước do việc hoãn ngưng các chuyến bay quốc tế.
Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 1,72%. Dịch tả lợn châu Phi, hạn mặn khiến sản lượng nông nghiệp không tăng nhiều. Ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn do vẫn chưa gỡ được thẻ vàng của Liên minh châu Âu. Hoạt động xuất khẩu nông sản giảm mạnh do dịch Covid-19. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%, trong đó ngành khai khoáng và ngành sản xuất & phân phối điện thu hẹp so với cùng kỳ năm trước. Covid-19 bùng phát toàn cầu, nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc phải đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất bị gián đoạn.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,2% trong Quý 2, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 4,96%. Tăng trưởng ngành công nghiệp khai khoáng trong Quý 2 giảm 6,35% (tính chung nửa đầu năm giảm 5,4%) so với cùng kỳ năm trước, do sản lượng khai thác giảm. Trong Quý 2, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) chỉ tăng 2,8%, thấp hơn rất nhiều so với quý trước (5,28%), chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3%, giảm gần 3 lần so với con số tăng trưởng của quý trước (11,6%). Chỉ số tồn kho bình quân tăng cao theo đà từ năm 2018 lên tới 26,7%. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục giảm.
Theo VEPR, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
“Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn và tương lai bất trắc. Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.
Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế nước ta còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI và thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa DNNN bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp”, báo cáo của VEPR phân tích.
Hai kịch bản cho nền kinh tế
Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, báo cáo của VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng và lạm phát theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch. Với việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội sớm hơn dự kiến (từ cuối tháng 4 so với dự kiến cuối tháng 5 trước đây), có nhiều cơ sở nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên so với các dự báo trước.
VEPR cho rằng, khả năng cao nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong cho cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2% do những diễn biến bất lợi của bệnh dịch.
VEPR đưa ra hai kịch bản. Kịch bản cơ sở (khả năng cao) đó là, bệnh dịch sẽ không tái phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường.
Tuy nhiên trong khi đó, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có một khả năng tái bùng phát hoặc chưa đủ tự tin khiến các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III năm 2020, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và nhu cầu du lịch, lưu trú tại Việt Nam.
Theo đó, mức độ tác động của Covid–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 3,8%. Nhìn chung, tăng trưởng trong các ngành nghề sẽ khiêm tốn, trong đó các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bao gồm dịch vụ lưu trú & ăn uống, ngành khai khoáng và ngành kinh doanh bất động sản.
Kịch bản bất lợi (ở khả năng thấp), đó là bệnh dịch trong nước dù vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường.
Tuy nhiên trong khi đó, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang Quý 4 năm 2020 dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp. Dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%.
Đoàn Huế