GDP 2020 dự báo thấp nhất trong vòng vài chục năm

Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng, Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết: "Qua rà soát dữ liệu thống kê từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam lại thấp kỷ lục như hiện nay".

Theo ông Hùng, các tổ chức quốc tế đánh giá, tăng trưởng của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 dù Việt Nam không phải là nước chịu tác động tiêu cực nhất bởi đại dịch.

"Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm âm 4,9%; Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) còn dự báo, nếu Covid-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu có thể giảm âm 7,6%.

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý 2 chỉ đạt 0,36%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (2011 - 2020).

Đồng thời, báo cáo của cơ quan này khẳng định, tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2020 cũng được ghi nhận con số thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo ông Hùng, dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam gần như thấp nhất trong gần 30 năm qua, nhưng tăng trưởng vẫn dương, so với quốc tế chúng ta vẫn có điểm sáng vì nhiều nước tăng trưởng âm.

Theo ông Dương Mạnh Hùng, tăng trưởng của cả năm thấp hơn ngoài dự đoán và thấp hơn cả kịch bản thấp nhất mà cơ quan thống kê đưa ra do dịch Covid-19 diễn ra trong tháng 4/2020 đã khiến tăng trưởng cả năm 6,8% bị ảnh hưởng nặng nề.

Dù tăng trưởng thấp nhưng so với quốc tế chúng ta vẫn có điểm sáng vì nhiều nước tăng trưởng âmDù tăng trưởng thấp nhưng so với quốc tế chúng ta vẫn có điểm sáng vì nhiều nước tăng trưởng âm

Kỳ vọng phục hồi những tháng cuối năm

Dù kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng cuối năm còn nhiều điểm sáng.

Theo ông Hùng, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có 80,6% số doanh nghiệp nhận định sản xuất, kinh doanh quý III/2020 tốt lên và giữ ổn định. Trong khi đó, theo kết quả điều tra lần trước, chỉ có 59,2% doanh nghiệp có thái độ lạc quan đó. Điều này cho thấy dấu hiệu chuyển biến tích cực khi doanh nghiệp đã có niềm tin hơn trong 3 tháng tới.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán (VNDIRECT) nêu ra 4 điểm nhấn đầu tư từ nay đến cuối năm 2020. 

Đó là, đẩy nhanh đầu tư công để phục hồi nền kinh tế. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng là tâm điểm trong nửa cuối năm 2020 với 3 dự án đầu tư quan trọng sẽ bắt đầu khởi công vào quý III, sớm hơn dự kiến, do đó, các chuyên gia tin rằng ngành vật liệu xây dựng sẽ có thêm cơ hội phát triển. 

Làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc do căng thẳng thương mại và Covid-19. Các chuyên gia lạc quan với triển vọng của ngành Logistic và bất động sản khu công nghiệp nhờ nhu cầu đối với các lĩnh vực này dự báo tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. 

Tếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ mặt bằng lãi suất. Các chuyên gia đưa ngành ngân hàng vào danh sách theo dõi do đây là ngành nhạy cảm với biến động lãi suất, với sự tăng trưởng cổ phiếu ở một số ngân hàng. 

Đồng thời, VNDIRECT dự báo các ngành phục hồi nhanh hơn so với kỳ vọng. Các chuyên gia nhận thấy những dấu hiệu về sự phục hồi mạnh trong những ngành như tiêu dùng, bán lẻ, điện, công nghệ… trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên mua vào cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh để giảm thiểu rủi ro... 

Được biết, dựa trên tình hình thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng GDP là tăng 4,4 - 5,2% và 3,6 - 4,4%. Từ 2 kịch bản này, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay là khoảng 4,5% và nếu tình hình thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%. 

Theo các chuyên gia phân tích, để đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng, cần nhiều động lực khác nhau. Đó là, cần giải ngân tốt đầu tư công (6 tháng mới giải ngân được 1/3 nguồn vốn); Các DN hấp thụ được vốn tín dụng, hiện dư nợ tín dụng mới tăng 2,45%, trong khi mục tiêu là tăng 12 - 14%; Khi chấm dứt giãn cách xã hội, khu vực dịch vụ (đóng góp trên 40% GDP), đặc biệt là lĩnh vực du lịch nội địa cần hồi phục và tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để các DN tiếp cận được các chính sách hỗ trợ một cách đơn giản, thuận tiện...

Bùi Quyền