
Thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm
Trên địa bàn thành phố Thanh Hóa hiện có 109 trường tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh. Trong đó, có 69 trường tự nấu, còn 40 trường hợp đồng với các đơn vị cung ứng suất ăn bán trú trường học. Hiện nay, các nhà trường và đơn vị cung ứng suất ăn bán trú đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa tổ chức 2 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm các tại các bếp ăn bán trú trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Theo đánh giá của Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh: Hầu hết các trường học tổ chức bếp ăn bán trú đều đã thực hiện mô hình bếp ăn dinh dưỡng một chiều, thực đơn món ăn được lên lịch theo tuần.
Các nhà trường cũng chú trọng kiểm thực 3 bước gồm: kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế biến cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu; đồng thời, chú trọng đảm bảo chất lượng bữa ăn, định lượng dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Còn tại thị xã Nghi Sơn, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú trong các trường học, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đã ban hành văn bản chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú; quan tâm rà soát, bổ sung các điều kiện tổ chức bán trú cho học sinh; phối hợp với cơ quan y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, triển khai công tác y tế trường học, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên các kỹ năng sơ cứu ban đầu cho trẻ; thường xuyên kiểm tra tủ thuốc y tế của nhà trường để thay thế thuốc đã quá hạn sử dụng và bổ sung đầy đủ dụng cụ, đồ dùng y tế, cơ số thuốc theo quy định...
Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú luôn được các trường học trên địa bàn thị xã quan tâm, chú trọng thực hiện gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thị xã cũng đã tăng cường phối hợp với ngành y tế, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Thanh Hóa tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người trực tiếp chế biến thực phẩm được khám sức khỏe và tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã cũng yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh giáo dục trẻ kỹ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cá nhân. Đồng thời, xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý đối với trẻ để phòng chống suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì; tuyên truyền đến các bậc cha mẹ trẻ về chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và phòng chống dịch bệnh.

Thực tế, công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh trong trường học chỉ thực sự đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn khi nhà trường, phụ huynh, đơn vị cung cấp thực phẩm, cơ quan chức năng... cùng tham gia công tác kiểm tra, giám sát, cộng đồng trách nhiệm để học sinh được hưởng thụ những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngon, sạch, an toàn.
Trước đó, để tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, các cơ quan chức năng đã đề nghị các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm phòng, chống ngộ độc và các bệnh lây qua đường thực phẩm.
Trước khi tổ chức bữa ăn bán trú tại trường học phải xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh hoặc có ngộ độc thực phẩm xảy ra; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định. Thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với các cơ sở giáo dục vận chuyển thức ăn từ điểm chính đến điểm lẻ cần chú ý chứa (đựng) thức ăn trong các dụng cụ chuyên dụng, đảm bảo tránh bụi bẩn trong quá trình vận chuyển. Phân công lãnh đạo nhà trường trực bán trú, thực hiện công tác tự kiểm tra hàng tuần, hàng tháng có biên bản kiểm tra cụ thể. Cùng với đó, cũng đề nghị cần tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể và Ban đại diện phụ huynh học sinh trong công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học.
Giám sát chặt chẽ các sản phẩm được tặng miễn phí hoặc phân phát trong các chương trình giới thiệu sản phẩm, quảng cáo do tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tại khu vực trường học...

Tuyên truyền, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể
Mới đây, nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn; nâng cao vai trò, trách nhiệm cũng như công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý tại địa phương; nâng cao kỹ năng công tác thông tin, khai báo, báo cáo của đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm; nâng cao trách nhiệm và kỹ năng của các đơn vị Y tế trong việc xử lý, khắc phục hậu quả khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn, đồng thời hưởng ứng tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025, vào sáng 18/4, tại Trường Mầm non xã Định Tăng (Yên Định), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Yên Định và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Định tổ chức diễn tập “Điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trong trường học trên địa bàn huyện Yên Định”.
Tình huống giả định được đưa ra, vào buổi trưa ngày X/Y/2025, tại Trường Mầm non Định Tăng có tổ chức ăn bán trú cho khoảng hơn 200 học sinh. Đến giữa trưa cùng ngày, một số học sinh có biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, nôn và đi ngoài nhiều lần... Những học sinh này nhanh chóng được giáo viên chuyển đến Phòng Y tế nhà trường để được sơ cứu, điều trị.
Tính đến 14 giờ cùng ngày, có tổng số 10 học sinh được chuyển đến Phòng Y tế nhà trường để được khám, điều trị. Trong đó có: 4 bệnh nhân nặng, 6 bệnh nhân nhẹ (trong số 4 bệnh nhân nặng có 2 bệnh nhân phải chuyển tuyến).

Trước diễn biến phức tạp, Ban giám hiệu trường mầm non đã gọi điện đến Trạm y tế xin hỗ trợ về chuyên môn và báo cáo chính quyền địa phương, ngành y tế để có biện pháp chỉ đạo.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Y tế huyện đã có mặt kịp thời, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện đưa bệnh nhân nặng chuyển tuyến; báo cáo về Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh, UBND huyện để huy động lực lượng, phương tiện đến hiện trường điều trị, cấp cứu bệnh nhân; điều tra, xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn lưu để xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xử lý vệ sinh môi trường.
Cuộc diễn tập nhằm mô hình hoá công tác tổ chức chỉ đạo triển khai hoạt động điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trong trường học; thực hành triển khai các biện pháp kỹ thuật theo các quy trình điều tra ngộ độc thực phẩm, xử lý hiệu quả vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc theo đúng quy định.

Buổi diễn tập nhằm tuyên truyền và nâng cao kiến thức về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho các đơn vị quản lý, người đứng đầu và các cá nhân có liên quan tại các đơn vị có tổ chức bếp ăn tập thể trên địa bàn; nâng cao vai trò, trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý, hiệu trưởng các trường có tổ chức bếp ăn bán trú.
Đồng thời nâng cao kỹ năng thực hành điều tra/xử lý khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đơn vị mình; nâng cao trách nhiệm và kỹ năng của các đơn vị y tế trong việc xử lý, khắc phục hậu quả khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Làm rõ thông tin vi phạm trong tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú trên địa bàn tỉnh
Trước đó, một số cơ quan báo chí đã thông tin về vi phạm trong tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, điển hình như tình trạng lưu mẫu thức ăn không khớp với thực đơn công khai; phiếu nhận thực phẩm trong nhiều tháng không có chữ ký của hiệu trưởng; chưa thành lập ban giám sát tổ chức thực hiện bữa ăn cho học sinh...
Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, đủ thành phần chưa được quan tâm đúng mức; các nhà trường chưa được tập huấn bài bản, thống nhất về cách tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú; ít có các đợt thanh, kiểm tra của các đoàn liên ngành để rút kinh nghiệm, nên nhiều trường học còn lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin về việc vi phạm trong tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có biện pháp tăng cường, quản lý, rà soát tổ chức việc thực hiện các bữa ăn và chế độ, chính sách khác đối với trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa thành lập đoàn kiểm tra, xác minh tại 8 Trường Phổ thông dân tộc nội trú, trung học cơ sở (PT DTNT THCS) tại các huyện: Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh. Qua đó, phát hiện nhiều vi phạm trong tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú.
Cụ thể, các nhà trường được kiểm tra đã phân công 1 cán bộ quản lý được tập huấn về An toàn thực phẩm phụ trách việc tổ chức bếp ăn cho học sinh nhưng chưa được đào tạo, tập huấn về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em; chưa thành lập bộ phận chăm sóc, nuôi dưỡng và xây dựng thực đơn hằng ngày cho học sinh.

Định mức suất ăn cho học sinh đã được các trường thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh, tuy nhiên còn thấp, khó đảm bảo về dinh dưỡng cho các em (bữa sáng từ 5.000 - 8.000 đồng, bữa chính từ 16.000 - 20.000 đồng).
Khu vực nhà ăn của một số trường không có bảng nội quy; kho bảo quản thực phẩm sắp xếp lộn xộn; một số khung cửa nhà ăn, nhà bếp hư hỏng, không có lưới chắn côn trùng; khu vực sơ chế, chế biến chật hẹp, chưa đảm bảo vệ sinh; bảo quản mẫu thức ăn chín để lẫn đồ sống; hệ thống thu gom và xử lý nước, rác thải chưa đảm bảo...
Hồ sơ kiểm tra thực phẩm còn thiếu thông tin; số liệu trong hồ sơ và lưu mẫu thức ăn tại các Trường PT DTNT THCS Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân một số chỗ chưa khớp nhau. Tại thời điểm kiểm tra, các trường không cung cấp được giấy đăng ký vệ sinh thú y, kiểm dịch thực phẩm mới nhập; nhân viên nấu ăn của các Trường PT DTNT THCS Bá Thước, Lang Chánh chưa thực hiện đúng trang phục bảo hộ theo quy định.
Công tác bán trú trong nhà trường luôn là mối quan tâm không chỉ của phụ huynh, học sinh mà còn là của toàn xã hội. Vì vậy, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng thì ý thức, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho trẻ em đối với mỗi nhà trường, trong đó vai trò của người đứng đầu mà Hiệu trưởng là quan trọng nhất trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm sạch, đảm bảo về mọi mặt pháp lý. Việc thực hiện bán trú phải đựa trên cơ sở vì quyền lợi của các em học sinh là trên hết và vì uy tín của nhà trường. Có như vậy, các bậc phụ huynh mới yên tâm khi gửi gắm con em đến trường.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 đang được triển khai rộng rãi với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố". Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục.
Việc kiểm tra, giám sát cũng được các cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Qua đó giúp nhà trường hoàn thiện quy trình chế biến suất ăn, phát hiện kịp thời các tồn tại, kịp thời chấn chỉnh để nâng cao chất lượng bữa ăn và đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Hoài Thu