Mặt dù được cấp chứng nhận đầu tư đã lâu nhưng những dự án này vẫn “ám binh bất động”
Được biết, huyện Kon Plông, một trong ba vùng kinh tế động lực, trọng điểm của tỉnh Kon Tum gắn với khu du lịch sinh thái Măng Đen. Vậy nên nhiều năm qua, huyện Kon Plông đã thu hút được rất nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, rau hoa xứ lạnh, du lịch sinh thái từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước với giá trị lên đến gần 20 nghìn tỷ đồng.
Để thu hút các nhà đầu tư, nhiều năm qua, huyện Kon Plông đã phải thu hồi gần chục nghìn ha đất rừng và đất nông nghiệp, trên địa bàn để lấy mặt bằng kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư. Đến nay, toàn huyện đã kêu gọi được 96 dự án với tổng diện tích gần 10 nghìn ha, trong đó rau hoa xứ lạnh có 49 dự án với gần 1.500 ha (vốn đăng ký hơn 1.600 tỷ đồng)…
Một điều đáng nói, nhiều năm qua nhiều doanh nghiệp đầu tư tại đây đã được UBND tỉnh Kon Tum giao hàng nghìn ha đất để triển khai dự án, nhưng qua ghi nhận của PV Báo TH&CL, tại thời điểm hiện tại, ngoài cổng chào đơn sơ bằng gỗ rừng, bên trong những ngôi nhà tạm bợ hoàn toàn chưa triển khai được gì.
Dự án này vẫn nằm im
Cụ thể, dự án trồng rau sạch và các loại hoa chất lượng cao do Công ty TNHH MTV Măng Đen-Vila có quy mô 106 ha tại xã Măng Cành đã bỏ hoang suốt 5 năm qua. Trên diện tích dự án, một số hộ dân tự khai hoang làm đất sản xuất. Việc doanh nghiệp chậm triển khai nên UBND huyện Kon Plông đã giới thiệu một phần diện tích đất của dự án này cho nhà đầu tư khác.
Dự án nông trại hữu cơ tổng hợp sản xuất rau củ quả xứ lạnh xuất khẩu, kết hợp với chăn nuôi tại xã Đăk Long do Công ty TNHH MTV Kon Tum Bellest làm chủ đầu tư có diện tích 105 ha tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long. Năm 2014, UBND tỉnh Kon Tum đã cấp phép chứng nhận đầu tư, quyết định cho thuê đất từ năm 2015.
Dự án trồng cây thuốc và khu du lịch sinh thái tại xã Đăk Long do Công ty CP Huỳnh Tấn (TP HCM) có quy mô 40 ha, trên báo cáo công ty đã khai hoang, trồng 13 ha cây ba kích, bơ, chanh dây. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế tại đây, chỉ thấy cỏ mọc um tùm, nhà cửa công ty tạm bợ, không có người hoang vắng,.
Tại dự án trồng chuối xuất khẩu và các loại cây giá trị cao của Công ty CP Vinagro (TP HCM), quy mô hơn 70 ha, đã có quyết định chủ trương đầu tư từ giữa năm 2017, nhưng đến nay đơn vị chưa nộp hồ sơ thuê đất, dự án chưa triển khai, bỏ hoang.
Dự án của Công ty TNHH MTV Nguyên Flower Farm chuyên trồng hoa với dự kiến sẽ trồng hoa ngoài trời 1 ha với sản lượng 700.000 cành, trồng hoa trong nhà kính 3 ha với sản lượng 3,6 triệu cành… Hiện tại, dự án đã xây dựng dãy nhà làm việc nhưng bỏ hoang, nhà kính nhỏ, không trồng hoa mà bên trong trồng cà chua nhưng cũng đã chết gần hết.
Ngoài ra, còn rất nhiều dự án khu du lịch sinh thái, trong đó có 16 dự án của các tổ chức cũng chậm triển khai. Cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng khu nghĩ dưỡng, du lịch sinh thái Vietinbank (Ngân hàng thương mại CP Công thương Việt Nam) có tổng diện tích hơn 200 ha, có giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013, có quyết định giao đất từ năm 2014 (đã giao gần 15 ha) nhưng đến nay vẫn chưa triển khai; dự án xây dựng Trung tâm đào tạo vận động viên Quốc gia được UBND tỉnh Kon Tum giao đất từ năm 2011, nhưng đến nay dự án mới xây hàng rào bao quanh và nhà bảo vệ…?
Ông Vũ Văn Bắc: Giám đốc- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông
Ông Vũ Văn Bắc, Giám đốc - Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông cho biết: “Từ năm 2016 đến năm 2018 theo các quyết định thu hồi đất cho những dự án tại huyện Kon Plông nhằm triển khai các dự án nông nghiệp, công nghệ cao, rau hoa xứ lạnh, đến nay công ty đã giao tổng diện tích 215,61 ha rừng”.
Qua điều tra của PV, thực tế được biết, trong nhiều năm qua Công ty Lâm nghiệp Kon Plông đã bị thu hồi 1.400 ha, trong đó có 215,61 ha thu hồi giao cho các dự án nông nghiệp, công nghệ cao, rau hoa xứ lạnh, diện tích còn lại giao cho các địa phương quản lý.
Hiện ngoài một số những dự án đang được triển khai tốt, đóng góp cho sự phát triển của địa phương còn lại rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng dự án để “xí phần”, nhằm chiếm dụng đất theo kiểu đầu cơ”.
Vừa qua, sau khi có thông tin một số Tập đoàn lớn trong nước như Vingroup, FLC… đang triển khai đầu tư vào đây đã kéo theo giá đất tăng vụt. Theo nhiều nhà chuyên nghiệp về đầu tư đất tại đây cho biết, giá thị trường mỗi héc ta đất ở đây dao động từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Nhiều người có đất sang tay là kiếm lời ngay, không cần đầu tư…
Được biết, hiện nay huyện Kon Plông còn gần 1.800 ha quỹ đất, trong đó có gần 900 ha rừng trồng để giới thiệu cho các doanh nghiệp tiềm năng khác trong cả nước.
Một thực tế cho thấy, rất nhiều dự án rau hoa xứ lạnh trên đều chậm triển khai, nhất là các dự án lớn, chỉ trừ dự án của các hộ gia đình nhưng quy lại rất nhỏ. Còn lại nhiều dự án ngoài việc rào chắn ở cổng chào, thì bên trong gần như để cỏ dại mọc ,.
Ông Bùi Thanh Phong, Chánh Văn Phòng UBND huyện Kon Plông trao đổi với PV
Liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Kon Plông, Kon Tum, ông Bùi Thanh Phong, Chánh Văn Phòng UBND huyện Kon Plông Trao đổi với PV: “Hiện nay Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn đã có kết luận số 2758/TB-VP ngày 9/11, giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, kết luận hành vi vi phạm, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi chủ trương và chấm dứt hoạt động dự án theo quy định.
Báo TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Trọng Tâm