Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Kon Tum kỳ vọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn (Ảnh: KT)

Theo đó, quan điểm phát triển du lịch của Kon Tum là phát huy tối đa tiềm năng tự nhiên và văn hóa, tăng tính hấp dẫn và trải nghiệm cho du khách; phát triển du lịch theo lộ trình, có trọng tâm để phát huy đặc trưng của địa phương.

Đến 2025, tỉnh hướng đến hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp và văn hóa - lịch sử. Giai đoạn này, tỉnh tập trung đầu tư Khu Du lịch Măng Đen và Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.

Đến 2030, tỉnh hoàn thiện 5 sản phẩm du lịch chính: Sinh thái, văn hóa - lịch sử, nghỉ dưỡng, cộng đồng và du lịch chuyên đề. Kon Tum kỳ vọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, Đề án đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Trước hết, tỉnh sẽ tổ chức lại không gian phát triển du lịch thành 4 khu vực chính, bao gồm: Khu vực thành phố Kon Tum và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối huyện Đăk Hà, Kon Rẫy và các huyện, thành phố của tỉnh; Khu vực trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi - Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y); Khu vực trung tâm đô thị phía Đông (Thị trấn Măng Đen và Khu Du lịch Măng Đen); Khu vực Ngọc Linh (huyện Đăk Glei và huyện Tu Mơ Rông) và các khu vực (gồm các huyện: Ia H’Drai, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô). Mỗi khu vực sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Tổ chức lại không gian du lịch, tỉnh cũng chú trọng xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Kon Tum sẽ tập trung cơ cấu, đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo 5 định hướng chính đã nêu.

Đồng thời, tỉnh sẽ hình thành các tour, tuyến du lịch phù hợp, hấp dẫn, chất lượng cao, gắn kết các loại hình dịch vụ du lịch với các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch cộng đồng, các điểm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng sinh thái rừng; Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cũng là một giải pháp quan trọng được đề ra trong Đề án.

Tỉnh sẽ tập trung chỉnh trang cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú, khuyến khích nâng cấp tiêu chuẩn, hạng sao để tăng chất lượng dịch vụ; Đẩy mạnh phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, homestay gắn với tour, tuyến du lịch. Về hệ thống cơ sở ăn uống, tỉnh sẽ khuyến khích đầu tư, cải tạo nâng cao tiêu chuẩn, phát triển loại hình dịch vụ ẩm thực đặc sắc, khai thác món ăn truyền thống và đặc sản địa phương; Chú trọng phát triển hệ thống cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, bao gồm việc đầu tư xây dựng khu vực phố đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực và các khu vui chơi giải trí trong các khu, điểm du lịch.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác xúc tiến quảng bá và thu hút đầu tư; xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút khách du lịch quốc tế theo từng giai đoạn và phù hợp với từng thị trường trọng điểm.

Hệ thống thông tin du lịch sẽ được xây dựng đa dạng, tiện ích bằng nhiều ngôn ngữ quốc tế. Kon Tum cũng sẽ tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương khác, đồng thời chú trọng thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực và kinh nghiệm để góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh.

Ngoài ra, Đề án cũng đề ra các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng; tiến hành rà soát, phân loại trình độ nghiệp vụ của đội ngũ nhân lực du lịch để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.

Về cơ sở hạ tầng, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, Kon Tum sẽ đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống vận chuyển khách du lịch chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường.

Với việc ban hành Đề án này, tỉnh Kon Tum kỳ vọng tạo bước đột phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Thuận Yến (t/h)