Bước chân vào cổng, tôi đã gặp ông đang thả hồn vào vườn cây cảnh, chăm chút tưới hoa, lòng thư thái. Có lẽ, đây là giây phút hiếm hoi nhất sau những lúc làm việc vất vả.

Đã bước sang tuổi 70, nhưng khi nhớ lại những giờ phút hào hùng khi ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, nằm trong đội hình tiến quân của Quân đoàn 1 – một trong 5 cánh quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh - giải phóng Sài Gòn với biết bao câu chuyện cảm động.

Ông nhớ về má Sáu Ngẫu – người đã trao cho ông tấm bản đồ bí mật để chỉ đường giúp Quân Giải phóng thần tốc tiến vào giải phóng hoàn toàn miền Nam mà không vấp phải bất kỳ trở ngại nào. Trong cờ hoa chiến thắng ngập trời trưa ngày 30/4/1975, có công lớn của má Sáu Ngẫu. Ông trân trọng, cảm phục gọi má bằng những từ cao đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Bà má tham mưu”…

Những ngày tháng tư hào hùng năm 1975, Tướng Nguyễn Huy Hiệu, khi đó vừa tròn 28 tuổi, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 (Sư 320B, Quân đoàn 1). Trung đoàn 27 của ông nằm trong đội hình tiến công của Quân đoàn 1, một trong 5 cánh quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến vào giải phóng Sài Gòn, theo mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Ông bồi hồi nhớ lại không khí hào hùng của toàn quân ta trong những ngày tháng 4 lịch sử.

Trong ký ức của mình, Tướng Hiệu không thể nào quên về hình ảnh một bà má miền Nam cùng với câu chuyện cảm động về tấm bản đồ má đã trao trên đường tiến quân về Sài Gòn.

Đêm 29/4/1975, ông và đồng chí Trịnh Văn Thư – Chính ủy Trung đoàn Triệu Hải cùng tổ trinh sát vào bắt liên lạc với cơ sở cách mạng ở Lái Thiêu. Qua khu vực nghĩa trang và bìa rừng, phát hiện ngôi nhà nhỏ có ánh đèn dầu, tổ trinh sát tiến vào. Một bà má từ trong ra mở cửa, anh em trinh sát phát tín hiệu “Hồ Chí Minh”, nghe tiếng đáp lại là “Muôn năm” thì nhận ra đúng là cơ sở cách mạng đây rồi!

Ông hồi nhớ lại: “Tôi và anh Trịnh Văn Thư bước vào nhà, má mừng lắm. Khi đó, tôi thưa với má về mệnh lệnh của cấp trên, nếu tìm gặp được cơ sở cách mạng thì đề nghị má giúp đỡ. Má nhìn tấm bản đồ chỉ huy của tôi trải dưới ánh đèn dầu, má nói má không rành. Má chạy vào nhà một lát rồi đưa một tấm bản đồ, má trải ra rồi nói với chúng tôi vị trí trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Nơi này, kẻ địch tập trung gần 2.000 lính Nguỵ, bọn này án binh bất động, tinh thần rệu rã lắm rồi! Má dặn chúng tôi không nên đánh mà nên kêu gọi bọn chúng ra hàng.

Tiếp tục đưa bút rà trên bản đồ, má nói không cần đánh địch ở căn cứ Lái Thiêu, phải nhanh chóng đánh chiếm cầu Vĩnh Bình theo trục đường 13 để nhanh chóng chiếm lục quân Công Xưởng và Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân nguỵ ở Gò Vấp – Sài Gòn để đề phòng địch phản công.

Nói xong, má trao lại cho chúng tôi tấm bản đồ. Sáng hôm sau, má bảo má và hai con của má cùng đi trên xe để dẫn đường. Nhưng tôi thưa với má là má cũng đã lớn tuổi, để Hai Mỹ và Sáu Châu đi cùng chúng con là được rồi! Má và hai em ở nhà, đánh xong, chúng con sẽ quay trở về thăm má”.

Kỷ niệm Chiến thắng 30/4: Tướng Hiệu với tấm bản đồ chỉ đường vô giá của bà má miền Nam - Hình 1

 

 Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng gia đình má Sáu Ngẫu bên tấm bản đồ ngày 29/4/1975

Dưới sự chỉ huy dũng cảm, mưu trí của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc, Đại đội đã phát huy tối đa sức đột phá của xe tăng. Khi đó, Đại đội trưởng Mạc đã dùng xe tăng của mình bắn cháy 3 xe tăng địch, xe bị hỏng, đồng chí xuống xe cùng tổ B41 bắn cháy tiếp các xe địch và Đại đội trưởng Mạc bị thương, một chiến sỹ cũng bị thương, Đại đội trưởng Mạc đã lấy thân mình che chở chiến sỹ và đã hy sinh.

Lúc này, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu quyết định đưa Đại đội trưởng Mạc và chiến sỹ lên xe tăng cùng tiến vào Sài Gòn để các đồng chí chứng kiến thời khắc lịch sử giải phóng miền Nam. Đến khoảng 9h30 phút, mũi thọc sâu của trung đoàn đã chiếm toàn bộ khu Gò Vấp lục quân Công Xưởng Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân Nguỵ, căn cứ 25, 26 truyền tin và chiếm Tổng y viện Cộng hòa. Sau đó, cùng đơn vị bạn đánh tiếp các mục tiêu trong nội thành, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trong niềm vui lớn của đất nước, ngay chiều 30/4/1975, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và một số đồng đội dùng chiếc xe Jeep trở lại Lái Thiêu cảm ơn má Sáu. Má cùng bà con ùa ra đón những người chiến thắng và còn hái tặng các chiến sỹ Quân Giải phóng rất nhiều trái cây.

Tháng 8/1989, má Sáu Ngẫu mất khi Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đang công tác ở nước ngoài. Ông đã khóc. Nước mắt như những giọt máu thương bà má miền Nam đã giúp ông viết nên bài ca chiến thắng. Vừa về nước, ông nhờ ngay người khắc bia đá rồi tự tay mang vào Lái Thiêu cùng gia đình xây mộ cho má Sáu…

Chiến tranh kết thúc. Trở về với thời bình, năm 39 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh thứ nhất rồi Tư lệnh Quân đoàn I. Từ ngày thành lập đến nay, ông là vị Tư lệnh Quân đoàn trẻ nhất. Ông đảm nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ quốc phòng 3 nhiệm kỳ Trung ương.

Ông là người nước ngoài đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga bầu là Viện sỹ Khoa học quân sự...

Giờ đây, ở tuổi 70, nhưng tác phong của người lính đã ăn sâu vào máu thịt. Với ông, còn sức khỏe, còn cống hiến. Ông say mê học tập và sáng tác. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn say mê làm việc tại Văn phòng Viện sỹ. Ông ngày đêm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đề tài về chiến tranh, về quân đội. Ông nói: “Với tôi, người thầy số 1 và đặc biệt nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi sẽ cố gắng phấn đấu suốt đời để trở thành học trò giỏi của Đại tướng”…

Chia tay tôi, Tướng Nguyễn Huy Hiệu nở nụ cười: “Tôi chỉ làm trọn bổn phận của người lính với Tổ quốc. Chiến tranh mà! Bởi có câu “Đến ong dại cũng thành dũng sỹ!”. Các bạn không cần phải viết nhiều về tôi. Tôi chỉ muốn kỷ niệm về tấm bản đồ quý giá của má Sáu Ngẫu là báu vật cần được lưu truyền để mỗi khi kỷ niệm giải phóng miền Nam, mọi người đều phải nhớ đến”.

Phạm Thị Dần