Giá điện đang đe dọa tăng trong thời gian tới bởi chi phí “treo” của EVN trong năm 2014 có thể lên tới trên 15.000 tỉ đồng theo tính toán của doanh nghiệp này

Chiều 30-12, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013. Theo đó, tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 của tập đoàn là 169.905,89 tỉ đồng, giá thành sản xuất, kinh doanh điện là 1.473,8 đồng/KWh.

Lãi gần 5.000 tỉ đồng

Theo ông Trần Tuệ Quang, Trưởng Phòng Giá và Phí - Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), năm 2013, tổng cộng lãi từ sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan là 4.938,44 tỉ đồng.

Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho rằng có thể khẳng định giá điện đã không được điều chỉnh trong suốt năm 2014. Tuy nhiên, năm 2014, tập đoàn này có hàng loạt chi phí bị tăng thêm hiện vẫn đang “treo”, chưa quyết toán được.

Công nhân của EVN cải tạo lưới điện tại TP HCM

Cụ thể, theo ước tính của EVN, điều chỉnh giá than cho điện làm chi phí tăng thêm 2.271 tỉ đồng, điều chỉnh giá khí trên bao tiêu khiến chi phí đội lên 1.114 tỉ đồng, biến động tỉ giá mất thêm 128 tỉ đồng. Ngoài ra, thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4% từ ngày 1-2 khiến EVN phải nộp ngân sách thêm 1.500 tỉ đồng; chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn cũng làm tốn thêm 1.019 tỉ đồng; chi phí bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011-2012 của các nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30 MW là 166 tỉ đồng. Đặc biệt, khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá vẫn còn đến thời điểm hiện nay là trên 8.800 tỉ đồng.

“Như vậy, tổng chi phí hiện EVN đang lỗ là 15.500 tỉ đồng. Chúng tôi đã đề xuất phương án xử lý. Một là, tăng giá điện nhưng phương án này chưa thể thực hiện được. Hai là, khoản lỗ treo do tỉ giá sẽ báo cáo Chính phủ cho lùi thời gian trả. Nếu giá dầu xuống thấp (khoảng 40 USD/thùng) thì EVN sẽ nhẹ gánh hơn. Tuy nhiên, nếu miền Nam tăng trưởng phụ tải quá nhanh, phải đổ dầu vào phát điện thì đây đúng là “thảm họa”. Giá thành phát điện chạy dầu là 5.600 đồng/KWh nhưng chỉ bán hơn 1.500 đồng/KWh thì không chịu nổi” - ông Tri phân tích.

Cũng theo EVN, giá than bán cho điện sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình. Giá khí trong bao tiêu từ ngày 1-4-2015 đến 31-3-2016 là 2,58 USD/trBTU (tăng 0,1 USD so với trước); từ ngày 1-4-2016 đến 31-3-2017, giá sẽ tăng lên 2,63 USD/trBTU, giai đoạn sau sẽ tăng bình quân 2%/năm. Trong khi đó, giá khí trên bao tiêu từ ngày 1-3-2014 đã tăng 0,2 USD/trBTU lên 5,39 USD/trBTU, từ ngày 1-3-2015 lên 5,61 USD/trBTU, từ ngày 1-3-2016 sẽ tăng bình quân 2%/năm.

Sẽ mua 1,8 tỉ KWh điện của Trung Quốc

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho biết Việt Nam bắt đầu ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc từ năm 2004 qua đường dây 110 KV và 220 KV. Lý giải điều này, ông Tuấn cho rằng những năm trước, các nguồn điện của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, chưa đưa vào vận hành; đồng thời có những thời kỳ rất khô hạn như năm 2008 và 2010.

Trong khi đó, giá điện nhập từ Trung Quốc cao hơn một số nhà máy thủy điện nhưng lại thấp hơn nhiều nhà máy nhiệt điện than và tua-bin khí. Bởi vậy, trong những năm hạn hán, nguồn nhập từ Trung Quốc là rất quý vì không có nguồn này thì chắc chắn EVN phải tiết giảm điện với quy mô tương đối lớn.

Ông Tuấn cũng cho biết năm 2014, nhập 2,29 tỉ KWh điện từ Trung Quốc và dự kiến năm 2015 chỉ còn nhập 1,8 tỉ KWh, hết năm 2015 sẽ hết hạn hợp đồng nhập khẩu điện Trung Quốc hiện nay.

Ông Tri cho rằng mua điện của các nước chung biên giới là “bình thường” nhằm tăng dự phòng trường hợp hệ thống điện gặp sự cố, nguồn điện không bảo đảm do nước về ít hoặc tăng trưởng phụ tải quá nhanh trong một số năm mà các nguồn điện mới xây chưa kịp đưa vào vận hành. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng tham gia chương trình liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước tiểu vùng sông Mekong.

“Kết nối lưới điện các nước làm cho dự phòng hệ thống điện có độ tin cậy cao hơn, chi phí đầu tư giảm, công suất khả dụng tăng, giảm sức ép đầu tư. Lưới điện miền Bắc tuy đáp ứng đủ điện nhưng một số khu vực điện áp thấp vẫn  phải dùng điện Trung Quốc vì dẫn về Việt Nam gần hơn, điện áp ổn định hơn” - ông Tri nói và cho biết chủ trương khi đã kết nối lưới rồi thì duy trì.

Giá điện không bao gồm tiền xây bể bơi, sân tennis

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết chi phí xây dựng công trình bên ngoài mục đích vận hành điện như: bể bơi, sân tennis... không được đưa vào giá thành điện. Với hạng mục nhà xây cho cán bộ, công nhân thuê thì phải trừ đi tiền thu được từ thuê nhà khỏi giá thành điện. Ông Đinh Quang Tri khẳng định chi phí xây bể bơi, sân tennis được hạch toán vào quỹ phúc lợi.

Theo Người Lao Động