Những ngày gần đây, trên khắp Châu Âu liên tục diễn ra các cuộc biểu tình phản đối và đình công với số lượng tham gia ngày càng cao. Lạm phát tăng vọt được cho là nguyên nhân chính cho sự bất bình ngày càng tăng của người dân. Các nhà phân tích lo ngại rằng, sự thất vọng của người dân đối với các chính phủ ngày càng tăng có thể sẽ gây ra các bất ổn chính trị trên phạm vi rộng.
Các cuộc biểu tình là một bức tranh khái quát cho thấy một nguy cơ bất ổn chính trị có thể xảy ra trong tương lai gần nều các chính phủ không nhanh chóng đưa ra giải pháp đối phó.
Tại Pháp, nơi lạm phát đang ở mức 6,2%, thấp nhất trong 19 quốc gia khu vực đồng Euro, công nhân đường sắt và vận tải, giáo viên trung học và nhân viên bệnh viện công đã chú ý đến lời kêu gọi hôm đầu tuần của một liên đoàn công nhân dầu mỏ để yêu cầu tăng lương và phản đối sự can thiệp của chính phủ vào các cuộc đình công của công nhân nhà máy lọc dầu đã gây ra tình trạng thiếu xăng.
Vài ngày sau đó, hàng nghìn người Rumani đã tham gia một cuộc biểu tình để phản đối chi phí năng lượng, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác mà các nhà tổ chức cho rằng đang khiến hàng triệu công nhân rơi vào cảnh nghèo đói.
Tại Séc, vào tháng trước những đám đông lớn vẫy cờ ở Praha đã yêu cầu chính phủ liên minh thân phương Tây từ chức, chỉ trích việc ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu đối với Nga. Họ cũng chỉ trích chính phủ vì đã không hành động hiệu quả để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với chi phí năng lượng cao.
Trong khi đó tại Anh, công nhân đường sắt, y tá, công nhân cảng, luật sư... đã tổ chức một loạt các cuộc đình công trong những tháng gần đây yêu cầu tăng lương phù hợp với lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Với việc Thủ tướng Anh Liz Truss buộc phải từ chức chưa đầy hai tháng sau khi các kế hoạch kinh tế của bà gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính và làm tổn hại thêm nền kinh tế ốm yếu, khiến rủi ro đối với các nhà lãnh đạo chính trị trở nên rõ ràng hơn.
Theo công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, hậu quả từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm tăng mạnh nguy cơ bất ổn dân sự ở Châu Âu. Các nhà lãnh đạo Châu Âu đã ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, gửi cho nước này vũ khí và cam kết hoặc buộc phải cắt giảm nền kinh tế của họ khỏi dầu mỏ và khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga, nhưng quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng và có nguy cơ làm xói mòn sự ủng hộ của công chúng.
Theo tổ chức Bruegel ở Brussels, mặc dù giá khí đốt tự nhiên giảm từ mức cao kỷ lục vào mùa hè và các chính phủ phân bổ khoản cứu trợ năng lượng khổng lồ hơn 566 tỷ USD cho các hộ gia đình và doanh nghiệp kể từ tháng Chín năm 2021, nhưng điều đó là không đủ đối với những người biểu tình.
Giá năng lượng đã khiến lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro lên mức kỷ lục 9,9%, khiến người dân khó mua những thứ họ cần hơn. Người Châu Âu đã chứng kiến hóa đơn năng lượng và giá lương thực của họ tăng cao kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Thậm chí, nếu nguồn cung cấp khí đốt từ Châu Âu vào mùa đông này bị gián đoạn, Châu Âu có thể sẽ thấy tình trạng bất ổn dân sự, rủi ro và bất ổn của các chính phủ gia tăng hơn nữa.
Nho Biền/VOV-Praha