Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thì, để ngày càng có nhiều doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận Thương hiệu quốc gia, ngoài sự hỗ trợ của phía cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý ba điều sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung, để từ đó dành nguồn lực (thời gian, nhân lực, vật lực) phù hợp, coi việc xây dựng, phát triển thương hiệu là một khoản đầu tư trung và dài hạn giúp nâng cao giá trị và nâng tầm doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đổi mới, sáng tạo và có tính tiên phong trên thị trường. Đây cũng chính là ba tiêu chí của Chương trình mà doanh nghiệp cần theo đuổi và duy trì khi được công nhận là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam: Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong, từ đó tăng sức cạnh tranh, lan tỏa cho các thương hiệu. Nếu không thực hiện thường xuyên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng xuất khẩu các sản phẩm lỗi thời, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường các nước phát triển.
Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm kiếm và liên kết với nhau để xây dựng thương hiệu Việt, cụ thể là kết nối cung cầu, kết nối giữa nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài sản xuất để tạo ra các sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Minh Anh