Từ nông dân tới thợ mộc
Nhân vật được nhắc đến là ông Trương Văn Kiềm (tên thường gọi là Tư Kiềm, 64 tuổi, ở cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ). Chỉ là một người nông dân bình thường nhưng trong vòng 15 năm, ông Tư Kiềm đã bỏ tiền túi và công sức cùng một số cộng sự lập xưởng mộc, xẻ gỗ dựng gần 300 căn nhà cho các hộ dân nghèo.
Khi phóng viên tìm đến, ông Tư Kiềm đang mồ hôi đầm đìa, trên tay có một vết thương phải dán băng cầm máu. Ông Tư Kiềm cho biết, ông vừa đi xe gỗ về để chuẩn bị dựng nhà cho một hộ nghèo, do chiếc xuồng chở gỗ bị mắc cạn, ông phải hì hục đưa nó vào bến mãi mà không được, nên mới ướt sũng quần áo như vậy.
Ông Tư Kiềm (thứ nhất từ phải sang) cùng các anh em kết nghĩa.
Ông Tư Kiềm cho biết, trước đây ông cũng sống với ruộng vườn cây trái. Sau khi lo cho 4 người con yên bề gia thất, có công ăn việc làm ổn định, ông Tư Kiềm bắt đầu tập trung vào việc làm thừ thiện.
Ban đầu, ông tham gia vào đội đi kiếm thuốc nam về cung cấp miễn phí cho các phòng khám từ thiện. Ông cùng mọi người đi tới tận Phú Quốc (Kiên Giang), Bảy Núi (An Giang) dầm mưa dãi nắng kiếm từng cây thuốc đem về.
Công việc xây cất nhà từ thiện đến với ông trong một dịp rất tình cờ. Đó là một ngày đầu năm 2003, ông tới nhà một người thông gia cùng ở cù lao Tân Lộc chơi, khi đi về ông đã bắt gặp một hoàn cảnh éo le.
“Đang đi xe máy trên đường từ nhà thông gia về, tôi bắt gặp một nam thanh niên đang cầm dao đuổi đánh người phụ nữ. Ngay lúc đó, tôi đã dựng xe xuống can ngăn và hỏi ra mới biết đây là hai mẹ con.
Nguyên nhân của việc này là do căn nhà lá của gia đình đã hư hỏng từ lâu mà không có tiền tu sửa. Người con trai sức dài vai rộng nhưng lại lười biếng và ham nhậu nhẹt. Hôm đó, anh ta bắt người cha già đi chặt cây về dựng nhà còn anh ta thì đi nhậu.
Do ông cụ già không còn sức để đi chặt cây nên khi nhậu về, thanh niên này đã xảy ra cự cãi với cha mẹ rồi vác dao đuổi đánh. Thương hai cụ già, tôi đã quyết định dựng một căn nhà miễn phí cho họ và từ đó công việc cứ tiếp diễn cho tới nay”.
Ông Tư Kiềm chia sẻ, trước đó ông chỉ biết làm nông nghiệp, không có một chút kiến thức nào về nghề mộc. Nhưng để tiết kiệm chi phí cất nhà từ thiện cho người nghèo, ông đã nhờ tới một người anh em kết nghĩa là ông Lê Văn Mười (66 tuổi, trú cùng địa phương) để thực hiện tâm nguyện của mình.
Ông Mười là một thợ mộc giỏi ở địa phương, trước đây ông thường đóng các đồ gỗ gia dụng để bán. Nghe ông Tư Kiềm trình bày mong muốn, ông Mười đã quyết định dừng công việc kinh doanh, cùng người em kết nghĩa này lập một xưởng mộc tại nhà ông Tư Kiềm để chuyên đục đẽo gỗ xây cất nhà từ thiện cho bà con nghèo.
Gần 300 hộ dân nghèo có nhà ở miến phí
Ông Tư Kiềm cho biết, chi phí xây dựng mỗi căn nhà từ thiện bằng gỗ, mái lợp tôn tiêu tốn khoảng 12-13 triệu đồng, đó mới chỉ là tiền vật liệu chứ là không kể tiền công.
Trung bình mỗi năm ông xây cất khoảng 20 căn nhà, chi phí khoảng hơn 200 triệu đồng. Mỗi năm, những người con của ông Tư Kiềm đều gửi cho ông một số tiền để dưỡng già. Ông Tư Kiềm dành hết số tiền này cho công việc thiện nguyện của mình.
Nhận thấy công việc từ thiện của ông Tư Kiềm có ý nghĩa, nhiều người tham gia làm cùng với ông. Bản thân ông Mười cũng vận động các con góp tiền để có thêm kinh phí mua vật liệu xây cất nhà cho người nghèo.
Một số người khác như ông Nguyễn Văn Thắng (68 tuổi) và ông Lê Hồng Tuấn (58 tuổi) cũng tham gia với ông Tư Kiềm trong công việc chặt cây làm mộc và dựng nhà.
Công việc thường ngày của Ông Tư Kiềm và các anh em kết nghĩa.
Ông Tư Kiềm chia sẻ: “Bình thường chỉ có 4 người chúng tôi làm công việc này. Tuy nhiên khi cần, tôi có thể huy động vài chục người, thậm chí cả trăm người cùng tham gia góp công sức với mình.
Bà con địa phương thấy tôi làm từ thiện cũng nhiệt tình ủng hộ. Người nào không đóng góp được công sức thì có chai nước mắm, thùng mì ăn liền đem tới ủng hộ, chúng tôi đều ghi nhận. Nhờ vậy, mà tình cảm của bà con nơi đây luôn khăng khít”.
Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng gỗ dựng nhà cho người nghèo được tốt nhất, ông Tư Kiềm không mua gỗ ở các xưởng mộc lớn đã xẻ sẵn mà ông thường kiếm mua gỗ xà cừ của người dân địa phương.
Người ta bán cho ông cây tươi, ông cùng một số người mang dụng cụ tới tự chặt hạ. Sau đó ông đưa về ngâm dưới bùn ở mé sông trước cửa nhà mình khoảng 3-4 năm rồi mới đưa lên phơi khô, đem đi xẻ. Làm như vậy tuy có vất vả hơn nhiều nhưng đảm bảo đúng loại gỗ tốt và được ngâm dưới bùn lâu sẽ không bị mối mọt. Người dân có thể sử dụng được căn nhà trong vòng 25-30 năm.
Tính đến nay ông Tư Kiềm cùng các cộng sự đã xây cất được khoảng gần 300 căn nhà từ thiện miễn phí hoàn toàn cho người nghèo. Những người được ông xây nhà từ thiện không chỉ ở Cần Thơ mà còn nhiều tỉnh khác như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang. Trong suốt 15 năm đi dựng nhà từ thiện ấy đã để lại cho ông rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Ông Tư Kiềm kể: “Kỷ niệm đang nhớ và khiến chúng tôi cảm động nhất là sau khi xây dựng xong một căn nhà cho một gia đình nghèo, người này đã quỳ xuống vái lạy và nói chúng tôi đúng là Phật sống. Chúng tôi ái ngại đỡ họ dậy và họ lại nói sở dĩ làm như vậy vì không biết dùng lời lẽ nào có thể diễn tả hết niềm vui, lòng biết ơn của họ khi được xây cho căn nhà mà bao năm họ ao ước”.
Có một đại gia đình còn được ông Tư Kiềm xây cất cho một loạt 5 căn nhà một lần. Đó là trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Dạ (trú tại khu vực Trường Thọ 2, phương Thốt Nốt). Ông Tư Kiềm kể, năm 2015, ông được mọi ngươi giới thiệu hoàn cảnh của ông Dạ, ban đầu ông chỉ dự định tới khảo sát để xây dựng cho ông Dạ một căn nhà từ thiện.
Tuy nhiên khi tới nơi ông mới biết trong căn nhà nhỏ xíu, xiêu vẹo như cái chuồng gà có tới 5 hộ gia đình cùng sinh sống gồm vợ chồng ông Dạ và gia đình của 4 người con.
Từ đó ông Tư Kiềm đã quyết định xây cất một dãy 5 căn nhà liền nhau cho 5 gia đình cha con ông Dạ. Nhờ vậy, bây giờ ông Dạ và các con có được chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng, không còn sợ mưa dột và nước ngập nữa.
Thông thường khi ông Tư Kiềm cùng các cộng sự tới dựng nhà thì gia chủ sẽ nấu cơm cho ăn. Do chỉ ăn chay nên cũng không phiền gia chủ nhiều. Tuy nhiên khi thấy chủ nhà nào nghèo khó quá, ông Tư Kiềm bảo vợ nấu sẵn cơm từ nhà để các ông đem đi ăn khỏi phiền gia chủ.
Thậm chí có trường hợp, sau khi dựng nhà xong, ông Tư Kiềm cùng mọi người còn mua đầy đủ các vật dụng sinh hoạt như nồi chảo, bát đĩa, chăn màn tặng cho họ như chuẩn bị cho con ra ở riêng vậy.
Ông Lê Văn Huấn, Phó chủ tịch UBND phường Tân Lộc cho biết, ông Tư Kiềm và các thành viên trong đội làm nhà từ thiện luôn nhận được sự tin yêu của người dân nơi đây. Nhờ có ông Tư Kiềm, nhiều hộ nghèo ở địa phương và các vùng lân cận đã thoát khỏi cảnh nhà dột nát.