THCL TS. Nguyễn Đình Cung khảng khái: Việc thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước - sẽ khiến các bộ mất rất nhiều quyền. Bộ nào có nhiều DN càng to thì mất càng lắm nên các bộ phân vân, chẳng ai muốn làm vì đều là con người cả.

Quản 5 triệu tỷ đồng không biết ai chịu trách nhiệm ? Ảnh minh họa

Quản 5 triệu tỷ đồng, không biết ai chịu trách nhiệm?

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2014, tổng tài sản của gần 800 DNNN lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ số DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến hơn 5 triệu tỷ đồng. Con số này, tính theo giá thị trường lớn hơn rất nhiều.

Thế nhưng, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những tai tiếng mà các “quả đấm thép” nắm giữ hàng triệu tỷ đồng này gây ra thời gian qua gắn liền với những dự án lãng phí, tham nhũng, thất thoát… khiến dư luận không khỏi bức xúc. Kinh nghiệm quá khứ cũng đã chỉ ra thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật là do quản lý giám sát của chủ sở hữu nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm.

Vì thế, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, cần phải xóa bỏ chức năng quản lý DNNN của các bộ và thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước. Đây chính là chủ trương được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nghị quyết ghi rõ: Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN; thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng, hiện Chính phủ đang nghiên cứu thành lập một “siêu ủy ban” với tên gọi dự kiến là “Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN”.

Nhiều DNNN bày tỏ sự đồng tình tách bạch chức năng quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN trước Đảng, Nhà nước.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Với một khối tài sản khổng lồ ở các DNNN hiện nay thì việc thành lập cơ quan cấp bộ chuyên trách chắc chắn sẽ tăng hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Đây là một tiềm năng, một dư địa tăng trưởng cần tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt đến thịnh vượng trong giai đoạn 2016 - 2020. Khu vực này đang tồn tại nhiều yếu kém trong quản lý, kinh doanh vốn, tài sản nhà nước có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng nếu cải thiện hiệu quả quản trị”.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là tránh xung đột lợi ích trong thực hiện chức năng của nhà nước. Tách chức năng thực hiện quyền sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng làm chính sách và điều tiết thị trường của nhà nước. Ba chức năng này đều của Nhà nước nhưng khi thực hiện nó tập trung vào một bộ sẽ xung đột về mặt lợi ích dẫn tới một môi trường kinh doanh méo mó, phân bổ nguồn lực không công bằng, không bình đẳng, thiếu cạnh tranh, dẫn tới sự kém hiệu quả của nền kinh tế.

Cơ chế nào cho “siêu ủy ban”?

Ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM) liệt kê một loạt ý kiến e ngại liên quan đến việc thành lập “siêu ủy ban” quản vốn nhà nước. Đó là khả năng dồn quá nhiều nguồn lực nhà nước vào một cơ quan có nên không? Thành lập cơ quan mới tăng biên chế trong bối cảnh tinh giảm biên chế hiện nay có phù hợp không? Quá trình cổ phần hóa DNNN dẫn tới lượng vốn nhà nước ở DNNN sẽ giảm đi thì thành lập cơ quan này có hiệu quả hay không?...

Đại diện Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) khẳng định: “Tôi không phản đối chủ trương này. Nhưng theo kế hoạch từ 2016 - 2020 số lượng DNNN không nhiều. Nếu chỉ còn vài trăm DNNN thì vai trò của cơ quan chuyên trách phần vốn nhà nước này sau đó sẽ thế nào? Đương nhiên, tiền nhà nước bây giờ không đầu tư vào DNNN thì vẫn vào thành phần kinh tế khác, nhưng chức năng hoàn toàn thay đổi.

Vị cán bộ của Bộ Tài chính cũng đắn đo, nếu xác định cơ quan chuyên trách phần vốn nhà nước là cơ quan nhà nước hưởng chế độ từ ngân sách thì không thay đổi được gì.

Ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM cũng cho rằng nếu thành lập cơ quan chuyên trách giống như một cơ quan hành chính là không ổn. “Nếu không có cán bộ chuyên trách giỏi mà đưa mấy ông vụ trưởng, vụ phó sang làm lãnh đạo thì không khác nào đánh bùn sang ao”, ông Bá chia sẻ.

Ông Cung khẳng định, cơ quan này không phải là một cơ quan quản lý hành chính nhà nước mà chức năng đầu tư của nó là chủ yếu, giống như mô hình của một tổng công ty. Những người làm việc ở đây là nhà đầu tư chuyên trách, không phải công chức. Lương của họ không phải trả theo ngạch công chức mà giống như trả cho doanh nhân, theo kết quả làm việc.

“Họ có thể hưởng lương gấp hàng trăm lần chủ tịch nước, họ không bị giới hạn về thu nhập, miễn là số tiền họ hưởng tương xứng với công sức họ làm ra. Tìm những người tài ngoài xã hội không thiếu, vấn đề là chúng ta có dùng không thôi”, ông Cung nói

TS. Nguyễn Đình Cung: “Việt Nam đang hội nhập, các quốc gia ký FTA với Việt Nam đều yêu cầu DNNN phải hoạt động minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm tính trung lập trong nền kinh tế. Vì vậy, phải tách bạch chức năng chủ sở hữu nhà nước ra khỏi các chức năng quản lý khác. Thành lập một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước - thực sự là một yêu cầu của hội nhập”.

Bùi Quyền