Trung Quốc nâng mức cảnh báo cao nhất về siêu bão Doksuri

Ngày 27/7, xảy ra vụ lật thuyền ở hồ Laguna, thị trấn Binangonan, tỉnh Rizal (Philippines) cách thủ đô Manila 37 km về hướng đông nam, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, hãng Reuters dẫn lời các quan chức của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG). Tổng cộng đã có tới 36 người đã thiệt mạng trong tuần này khi siêu bão Doksuri quét qua phía bắc Philippines.

Siêu bão Doksuri gây ra mưa lớn và lũ lụt ở Bontoc, Luzon, Philippines
Siêu bão Doksuri gây ra mưa lớn và lũ lụt ở Bontoc, Luzon, Philippines. (Ảnh: AFP)

Hiện tại, chưa rõ có bao nhiêu người trên thuyền lúc xảy ra sự cố. Ông Jose Hernandez - giám đốc cơ quan thảm họa của thị trấn Binangonan - cho biết 40 người đã được cứu và 6 người vẫn còn mất tích. Lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.

Philippines đã hứng chịu cơn bão Doksuri với gió lên tới 175 km/giờ. Bão Doksuri khiến ít nhất 6 người chết và hàng nghìn người phải sơ tán ở miền bắc Philippines, theo hãng tin AP. Một số phà và thuyền đã được phép ra khơi lại vào hôm 27/7, sau khi Doksuri rời Philippines.

Bên cạnh Philippines, Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng từ cơn bão Doksuri này. Tính đến cuối ngày hôm qua (27/7) theo giờ Bắc Kinh, sức gió quanh mắt bão lên tới 187 km/h, đưa Doksuri trở lại bậc cao nhất trong hệ thống phân loại bão nhiệt đới của Trung Quốc sau khi suy yếu trước đó.

Các doanh nghiệp và trường học đã đóng cửa ở các quận phía nam của Đài Loan (Trung Quốc) trong bối cảnh có cảnh báo về lở đất và lũ lụt. Tất cả các chuyến bay nội địa và các tuyến phà bị đình chỉ, trong khi hơn 100 chuyến bay quốc tế bị hủy hoặc hoãn. Doksuri dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền Trung Quốc vào sáng thứ Sáu (28/7) ở tỉnh Phúc Kiến. Ngày 27/7, ba thành phố ven biển ở Phúc Kiến đã đóng cửa trường học, doanh nghiệp và nhà máy, trong khi cơ quan kiểm soát lũ lụt tỉnh này đã cảnh báo về "tác động nghiêm trọng".

Đối mặt với bão Doksuri, Trung Quốc đã phát động các hoạt động kiểm soát lũ lụt khẩn cấp ở phía tây nam của đất nước vào tối thứ Tư sau những trận mưa xối xả ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam cũng như đô thị Trùng Khánh gần đó.

Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến Bão số 2 (Doksuri), chủ động triển khai các biện pháp ứng phó

Việt Nam chỉ động triển khai các biện pháp ứng phó với báo Doksuri
Việt Nam chỉ động triển khai các biện pháp ứng phó với báo Doksuri.

Dự báo tác động của bão số 2, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, khu vực Đông Bắc có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội, sóng biển cao 6,0-8,0m, vùng gần tâm bão 8,0-10,0m.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có công văn số 276/VPTT ngày 24/7/2023 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải đề nghị chủ động ứng phó với bão DOKSURI.

Bên cạnh đó, văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.

Các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với với bão DOKSURI theo công văn số 276/VPTT ngày 24/7/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai. Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến bão DOKSURI; nắng nóng ở Bắc Bộ, Trung Bộ; mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ, Nam Trung Bộ Tây Nguyên, Nam Bộ; gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, sát thực tế.

Từ ngày 21/7-20/8, dự báo có khoảng 01- 02 cơn áp thấp nhiệt đới/ bão (bão số 2, bão số 3) hoạt động trên Biển Đông. 

Trong giai đoạn này, tác động của nắng nóng, tập trung nhiều ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư, khu vực sản xuất do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, đặc biệt ở khu vực Miền Trung.

Thời kỳ này, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động và có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới, Bão trên Biển Đông. Dải hội tụ nhiệt đới cũng là tác nhân gây ra gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh ở các vùng biển phía Nam. Do vậy, cần đề phòng gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản của ngư dân.

Ngoài ra, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Thuỳ Linh