Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời với các loại đặc sản vùng miền đặc trưng, đa dạng được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có thể nói, thương hiệu đặc sản Việt Nam còn thiếu vắng trên thị trường quốc tế. Hầu hết các sản phẩm chỉ được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Khi trở thành thành phẩm đến tay người tiêu dùng thì được mang bao bì, tem nhãn hoàn toàn của nhà nhập khẩu nước ngoài. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm xúc tiến thương mại, quảng bá đặc sản Việt Nam ra nước ngoài và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Một số sản phẩm quốc gia đã định vị được tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế (gạo, cà phê, cá da trơn, xoài, thanh long, vải thiều…). Tuy nhiên, điều này chưa đáng kể và chưa phát huy hết tiềm năng thực tế của nông sản Việt. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả quảng bá đặc sản địa phương ra nước ngoài, cần tăng cường hơn nữa cơ chế liên kết và sự chung tay của “4 nhà”: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, có thể rút ra một số gợi ý sau cho Việt Nam.

Về phía Nhà nước: Cần tăng cường hơn nữa các thể chế, chính sách và chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản địa phương; thành lập và nâng cao năng lực cho tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh để họ chủ động triển khai việc thiết lập và vận hành hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm một cách chuyên nghiệp, bài bản.

Triển khai các chiến dịch, hoạt động thiết thực để đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình quảng bá hình ảnh đặc sản địa phương ra nước ngoài.

Xây dựng và vận hành hệ thống quốc gia về kiểm soát chất lượng đặc sản một cách chặt chẽ, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo sản phẩm khi được lưu thông trên thị trường quốc tế có chất lượng ổn định, có thể truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng. Điều này giúp giữ vững uy tín và danh tiếng của sản phẩm trên thị trường.  

Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế; tham gia là thành viên của các tổ chức, mạng lưới quốc tế (như OgiGIn) để xây dựng và tổ chức triển khai các chiến dịch quảng bá đặc sản địa phương (gắn với chỉ dẫn địa lý) ở quy mô quốc gia từ đó tham gia vào các sự kiện quốc tế về quảng bá đặc sản địa phương. 

Về phía nhà nông: Cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bài bản, tuân thủ chặt chẽ các quy định về đảm bảo chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của hệ thống truy xuất nguồn gốc, từ đó giúp tạo nền tảng để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường. 

Từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tùy hứng, vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài, lợi ích chung của cả cộng đồng địa phương.

Có ý thức gây dựng, giữ gìn và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho đặc sản của địa phương mình; truyền thụ cho thế hệ sau niềm tự hào về đặc sản địa phương để bảo tồn và phát triển.   

Về phía nhà khoa học: Chủ động nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề cho việc khẳng định và duy trì “thương hiệu” sản phẩm bền vững trên thị trường.

Về phía doanh nghiệp: Cần xây dựng thiết chế liên kết nhiều doanh nghiệp nhỏ với nhau, hoạt động theo chuỗi giá trị có sự chuyên môn hóa từng giai đoạn sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo ra sức mạnh tập thể, xây dựng được các thương hiệu đủ lớn, đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu đã tồn tại từ lâu đời trên thị trường quốc tế.

Tăng cường hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường; thành lập các bộ phận chuyên trách về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại với đội ngũ nhân viên, chuyên gia được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Minh Anh