Học thạc sỹ đang trở thành trào lưu, nhu cầu này đã kéo theo nhiều bất cập, thậm chí là tiêu cực. Điều này đã khiến cho nhiều người lo lắng - sẽ trở thành hiểm họa cho nền giáo dục.

“Phổ cập” bằng… thạc sỹ

Mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn thạc sỹ được đào tạo ra trường, nhưng vẫn thất nghiệp. Câu chuyện này không chỉ mới xảy ra, mà nó đã tồn tại mấy năm trở lại đây. Bởi nhu cầu đi học thạc sỹ hiện nay không phải vì muốn nâng cao trình độ nữa mà thay vào đó là “tìm chỗ trú chân” khi chưa tìm được việc làm, vì cho bằng chúng bạn hay để phục vụ mục đích “thăng quan tiến chức” cho dễ.

Thực tế, để có tấm bằng thạc sỹ, người học phải chịu chi phí không ít. Không chỉ phải đóng các khoản đầu vào ngay khi đến nộp hồ sơ dự thi, mà trong quá trình học, hầu hết các học viên đều phải đóng các khoản chi phí “ngầm”.

Chị Nguyễn Thu Lan (Ba Đình, Hà Nội), một học viên vừa tốt nghiệp thạc sỹ tại một học viện cho biết: “Khi làm hồ sơ dự thi, mỗi người phải nộp 2 triệu đồng lệ phí thi và ôn tập, không có nhu cầu ôn tập trước khi thi thì cũng phải đóng học phí. Khi học kết thúc môn, cả lớp góp 2 - 3 triệu đồng bồi dưỡng thầy. Khi thi hết môn, lớp lại tiếp tục "cảm ơn" thầy khoảng 1 - 2 triệu đồng (tùy từng môn chính hay phụ) để được biết trước câu hỏi hoặc thầy coi thi dễ. Đến khi làm và bảo vệ luận văn, lại tiền cho thầy cô hướng dẫn, phản biện… Để có tấm bằng trong tay, ngót nghét phải chi đến 100 triệu đồng”.

Mặc dù chi phí không ít, tiêu cực cũng phát sinh, nhưng nhu cầu học thạc sỹ vẫn ngày càng nở rộ... Sự lãng phí trong đào tạo đã kéo theo hệ lụy là thạc sỹ ra trường thất nghiệp tràn lan. Bởi vậy, đang xảy ra “sự ngược đời” đó là tình trạng thạc sỹ đi học… trung cấp.

GS. Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: "Tốt nghiệp ĐH bị thất nghiệp đã là lãng phí, giờ các trường lại đua nhau đào tạo thạc sỹ để rồi… thất nghiệp lại càng lãng phí hơn! Theo tôi, các bạn muốn có cơ hội xin việc làm, cần phải trang bị thêm tay nghề, nhất là khi hiện nay phần lớn cử nhân ĐH, thạc sỹ phải quay lại đi học nghề để làm công nhân".

Bất cập khâu quản lý

Trong khi chất lượng đào tạo trình độ thạc sỹ vẫn đang là dấu hỏi lớn thì gần đây, Bộ GD&ĐT lại có thông tư ban hành quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ với nhiều quy định mới “ưu ái” người học. Nếu như thông tư cũ quy định thời gian đào tạo 2 năm thì theo thông tư mới, việc học thực chất rút xuống chỉ còn 1 năm và với cách đào tạo theo tín chỉ, số giờ học viên lên lớp còn rất ít. Đã thế, việc học lại diễn ra vào buổi tối, thứ bảy và chủ nhật nên thời gian tiếp tục bị cắt xén chẳng còn bao nhiêu. Trong khi đó, đa số học viên thạc sỹ không biết tự học, không tự nghiên cứu và tổng hợp các vấn đề. Đáng buồn hơn, có những học viên sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê người học hộ với giá 50.000 - 100.000 đồng/buổi. “Theo tôi, cần phải tăng thời gian đào tạo thạc sỹ lên nữa. Với quy định rút xuống chỉ còn 1 năm, tôi bảo đảm sẽ dẫn đến hậu quả đào tạo ra rất nhiều thạc sỹ rởm”, GS. Phạm Tất Dong bày tỏ.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, thông tư mới cũng ưu tiên “nới” cộng điểm cho đầu vào môn tiếng Anh, chính quy định này là hạ thấp tiêu chí đầu vào. Không những thế, còn đi ngược lại với việc chúng ta đang tích cực thực hiện Đề án 1400 về tăng cường khả năng ngoại ngữ trong học sinh, sinh viên.

Đầu vào đã thuận lợi, đầu ra cũng không được kiểm soát do thời gian học và làm luận văn chỉ 1 năm nên hiện nay, hầu hết luận văn thạc sỹ của những học viên đang đi làm đều có chất lượng quá thấp do không có đủ thời gian để tham khảo và nghiên cứu tài liệu, dẫn đến nhiều luận văn trùng lặp nhau; hoặc khác nhau ở tên đề tài nhưng lý luận và giải pháp lại tương đối giống nhau.

Hiện nay, hầu hết cơ sở đào tạo để học viên cao học và nghiên cứu sinh trực tiếp chuyển luận văn, luận án đến nhà thành viên hội đồng chấm luận án. Điều này đã dẫn đến nhiều tiêu cực, đó là tình trạng luận văn kèm phong bì… tiền. Một số thầy tham gia quá nhiều hội đồng chấm, đến mức không kịp đọc hoặc không cần đọc luận văn, luận án, chỉ copy từ bản lưu trong máy vi tính ra những nhận xét chung chung, có thể áp dụng vào bất kỳ luận văn, luận án nào.

Để nâng cao chất lượng đào tạo thạc sỹ, nhiều chuyên gia giáo dục có chung ý kiến, một mặt các cơ quan nhà nước phải thay đổi tâm lý tuyển dụng. Mặt khác, Nhà nước cần phải có một cuộc tổng kiểm tra lại bằng cấp của tất cả thạc sỹ. Ai không đạt, sẽ loại bỏ được cả người học và đơn vị cấp bằng. Người ta sẵn sàng làm bậy, là vì bấy lâu nay chúng ta không có chế tài đủ mạnh để xử phạt.

Hoàng Hà