Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngân hàng OCB vừa mua lại trước hạn toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã OCBL2124011. Lô trái phiếu được phát hành ngày 15/12/2021, thời hạn 3 năm, lãi suất cố định 3,2%/năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo và không kèm theo chứng quyền. Trước đó, OCB đã mua lại trước hạn toàn bộ 14 lô trái phiếu được phát hành trong năm 2021 và 2022, với tổng giá trị theo mệnh giá là 12.400 tỷ đồng.

Tương tự, ngân hàng LPBank cũng mua toàn bộ 2 lô trái phiếu mã LPBH2124014 và LPH2124015 phát hành hồi tháng 12/2021 với thời hạn 3 năm, tổng giá trị trái phiếu mua lại lên tới 2.000 tỷ đồng. Trước đó, tháng 7/2023, LPBank đã chi hơn 4.100 tỷ đồng để mua lại 4 lô trái phiếu trước hạn.

Cùng với động thái chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn, các nhà băng tiếp tục đẩy mạnh phát hành mới. Trong đó, OCB đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng lô trái phiếu OCBL2326015 vào ngày 14/12. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu được OCB huy động lên tới 17.350 tỷ đồng.

Tương tự, Vietcombank cũng có kế hoạch phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong tháng 12/2023, với kỳ hạn tối đa 6 năm, lãi suất thả nổi.

Mới đây, Agribank thông báo đã phát hành thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2023, thu hút sự tham gia của 14.156 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Về vấn đề trên, các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết, sở dĩ ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là do đang dư thừa thanh khoản. Việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR).

Trong khi đó, giới phân tích tài chính cho rằng: Việc các ngân hàng ồ ạt mua lại trái phiếu trùng với diễn biến huy động tiền từ dân cư tăng trưởng tích cực trong 3 quý đầu năm, nhưng tín dụng lại tăng chậm.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), việc mua lại trái phiếu dường như là một trong những cách giải quyết vấn đề giải ngân vốn đầu ra thấp, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế vẫn ì ạch hiện nay. Chưa kể, việc mua lại trái phiếu cũng giúp giảm tỷ trọng danh mục này so với vốn điều lệ các nhà băng.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tăng trưởng tín dụng thấp thể hiện nhu cầu vay vốn không cao, trong khi thanh khoản trong hệ thống dồi dào. Tình trạng tiền tồn đọng khiến ngân hàng mua lại trái phiếu để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn, làm giảm mức độ thừa vốn.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, với những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá. Như vậy, việc ngân hàng tìm cách mua lại trước hạn trái phiếu vừa giúp không phải khấu trừ mệnh giá, vừa có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm. Điều này tăng giá trị được tính vào vốn cấp 2.

Theo dữ liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cập nhật đến hết 11 tháng năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 247.590 tỷ đồng, gồm 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.071 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng giá trị phát hành; 210 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 220.520 tỷ đồng, chiếm 89,1% tổng giá trị phát hành. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm đa số, với 120.058 tỷ đồng, tương đương 48,6% tổng giá trị phát hành kể từ đầu năm.

Minh An(t/h)