Vào cuối năm 2023, “ông trùm” điện gió lớn nhất thế giới là Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam chỉ sau 2 năm hợp tác.
Cách đây nửa tháng, Reuters đưa tin rằng, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Equinor của Na Uy đã quyết định ngừng hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng ở Hà Nội.
Cũng theo Reuters, đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa văn phòng đại diện phụ trách phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở nước ngoài.
Hay mới đây, nguồn tin của Reuters tiết lộ tập đoàn năng lượng Enel của Ý đang chuẩn bị rút khỏi Việt Nam, một phần trong kế hoạch tái cấu trúc hoạt động toàn cầu của doanh nghiệp này.
Hồi năm 2022, Enel cho biết, họ muốn đầu tư vào các nhà máy có thể sản xuất đến 6 GW năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Tuy không nói rõ cụ thể loại năng lượng nào, Enel đề cập rằng Việt Nam có tiềm năng đối với năng lượng gió và mặt trời.
Hiện vẫn chưa rõ thời gian cụ thể về việc thông báo rút khỏi Việt Nam.
Bên lề sự kiện "Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn", bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhìn nhận việc một số doanh nghiệp đến khảo sát, quyết định đầu tư và sau đó thay đổi không đầu tư nữa là điều rất bình thường.
Theo bà Dorsati Madani, bất cứ nền kinh tế nào cũng có các nhà đầu tư tiềm năng đến khảo sát để kiểm tra xem có họ có phù hợp để đầu tư vào hay không, một số doanh nghiệp sẽ ở lại còn một số sẽ không đầu tư và rút lui.
Song, điều này hết sức bình thường và không phản ánh hay thể hiện rằng sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư FDI đang mất đi. Do đó, vị chuyên gia này khẳng định, FDI vào Việt Nam vẫn tích cực ít nhất là trong trung hạn.
“Vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp từ Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan muốn đến Việt Nam. Bằng chứng là dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong các năm qua rất ổn định, kể cả trong giai đoạn Covid-19”, chuyên gia kinh tế cấp cao WB nhấn mạnh.
Điển hình, trong 7 tháng đầu năm nay, dòng FDI đổ vào ổn định và tiếp tục tăng trưởng. Tính đến ngày 20/7, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI giải ngân tính đến ngày 20/7 cũng đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Với kết quả này, bà Dorsati Madani cho rằng, đây là một trong các tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư quốc tế coi Việt Nam là một điểm rất hứa hẹn cho đầu tư.
Dù vậy, về dài hạn, bà Dorsati Madani khuyến cáo, Việt Nam còn nhiều điều cần phải làm. Cụ thể, nếu muốn vươn lên trong chuỗi giá trị, trở thành một nền kinh tế phát triển thì cần cải cách trong nền kinh tế, tăng cường phát triển khu vực doanh. Việt Nam cần tập trung thu hút những nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, bên cạnh đó, môi trường quốc tế trong sản xuất cũng đang thay đổi, người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm xanh.
“Để Việt Nam có thể duy trì khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần thu hút các nhà đầu tư xanh cũng như khuyến khích các doanh nghiệp nội địa áp dụng công nghệ xanh cho sản xuất”, bà Dorsati Madani khuyến nghị.
An Nguyên