Vì sao, các doanh nghiệp dùng cách tăng vốn ảo để lừa?

Mấy năm gần đây nhiều vụ việc tăng vốn ảo nhằm mục đích lừa đảo diễn ra, ầm ĩ nhất phải nói tới vụ ông Trịnh Văn Quyết. Từ vốn siêu nhỏ 1,5 tỷ đồng, sau nhiều chiêu trò nâng khống, FLC Faros trở thành đại doanh nghiệp quy mô 4.500 tỷ đồng.

Hay như vụ của Sen Tài Thu, tình hình kinh doanh ghi nhận trên sổ sách của Sen Tài Thu rất bết bát. Năm 2022, công ty này chỉ ghi nhận doanh thu 65 triệu đồng, lỗ gần 9 tỷ đồng do chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp lớn. Thua lỗ, nâng vốn ảo và quảng bá gian dối về lợi nhuận là cách thức để các nghi phạm lấy lòng tin từ nhà đầu tư. Kết quả, hàng trăm nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với Sen Tài Thu cùng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Điều tra bước đầu, 03 cựu lãnh đạo Sen Tài Thu đã nâng khống vốn điều lệ công ty từ 31 tỷ lên 160 tỷ đồng.

Điều tra bước đầu của Sen Tài Thu, 03 cựu lãnh đạo Sen Tài Thu đã nâng khống vốn điều lệ công ty từ 31 tỷ lên 160 tỷ đồng.
Điều tra bước đầu của Sen Tài Thu, 03 cựu lãnh đạo Sen Tài Thu đã nâng khống vốn điều lệ công ty từ 31 tỷ lên 160 tỷ đồng.

Chia sẻ về vấn đề tăng vốn ảo, ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế phân tích: “Tăng vốn ảo không gắn với bản chất kinh tế thật và được sử dụng nhiều cách thức khác nhau. Trong vụ Faros, các nghi phạm dùng chiêu thức ủy thác bằng vốn doanh nghiệp đối với cá nhân. Tiền vào, tiền lại ra, rồi lại nộp vào... quay vòng nhiều lần.

Với vụ Sen Tài Thu, đến nay cách thức nâng vốn ảo chưa được làm rõ. Nhưng dữ liệu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã cập nhật vốn điều lệ công ty tăng lên hơn 160 tỷ đồng”.

Theo ông Bình, các quy định về vốn điều lệ tương đối chặt chẽ. Thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ là 90 ngày. Các chế tài xử lý đều đã có. Vị chuyên gia cho rằng vấn đề lớn nhất vẫn là khâu quản lý, giám sát thực hiện. Các công ty chưa niêm yết hay đã đại chúng đều phải tôn trọng và minh bạch với nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi họ đã cố tình lừa nhà đầu tư thì rõ ràng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Việc tăng vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp chưa lên sàn dễ hơn vì không phải công khai minh bạch và chịu nhiều sự giám sát như đã niêm yết”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Bàn luận về vấn đề trên, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết: Vốn điều lệ là thông tin cơ sở cho đối tác, khách hàng khi xem xét hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định mức vốn điều lệ cụ thể đối với doanh nghiệp nói chung. Tùy vào khả năng kinh tế của chủ sở hữu và mục đích hoạt động sẽ tự quyết định mức vốn điều lệ.

"Tuy nhiên trên thị trường vẫn tồn tại một niềm tin phổ biến là vốn điều lệ của một doanh nghiệp càng lớn thì đồng nghĩa với tầm vóc kinh tế trên thị trường của doanh nghiệp đó càng cao. Vì vậy, khi con số vốn điều lệ được nâng lên, doanh nghiệp có cơ hội lớn hơn trong tìm kiếm cơ hội làm ăn hoặc thu hút thêm nhiều khách hàng và nhà đầu tư", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm: Bằng các thủ thuật nghiệp vụ, một doanh nghiệp có thể tự nâng vốn mà không cần cổ đông phải góp thêm bất cứ một đồng tiền thật nào. Cũng có những trường hợp cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp ủy thác đầu tư cho cá nhân và tổ chức trong cùng hệ thống và tiền lại chảy ra. “Bắt nguồn từ khoảng trống trong cơ chế giám sát. Đơn cử như chưa có quy định rõ ràng về cơ chế ủy thác đầu tư cho cổ đông, cơ chế giám sát, kiểm tra việc định giá tài sản góp vốn. Một hạn chế nữa đó chính là chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm kê khai khống vốn điều lệ mặc dù đã được tăng lên nhưng thực còn nhẹ so với khoản thu lợi bất chính”, chuyên gia Hùng phân tích.

Cần cơ chếđể bịt lỗ hổng?

Nhận diện nguy cơ doanh nghiệp tăng vốn ảo sẽ giúp nhà đầu tư kiểm soát rủi ro.
Nhận diện nguy cơ doanh nghiệp tăng vốn ảo sẽ giúp nhà đầu tư kiểm soát rủi ro. (Ảnh minh họa)

Ông Hùng cho rằng, cần quan tâm nâng cao cơ chế giám sát và tăng cường xử lý phát hiện việc nâng khống vốn điều lệ. Trước hết cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về ủy thác đầu tư bằng vốn doanh nghiệp đối với cá nhân là cổ đông doanh nghiệp.

Cũng cần quy định chặt kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp, đảm bảo dòng vốn góp là dòng tiền thật và chỉ để sử dụng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Những tài sản góp vốn phải được định giá bởi tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân (ngoài cơ quan quản lý nhà nước) đối với các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Thêm nữa, nếu nhà đầu tư không đủ cẩn trọng sẽ bị thuyết phục bởi số vốn điều lệ ghi trên giấy, dẫn đến đánh giá sai về năng lực tài chính của doanh nghiệp. Do vậy, theo ông Hùng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tài chính, nâng cao cảnh giác của người dân trước những lời mời góp vốn đầu tư đem lại tỉ suất sinh lời cao đột biến.

Minh An (t/h)