Chờ lũ - Nhà nông tranh thủ mưu sinh

Sau thời gian dài chờ đợi, ở các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, như: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, nước lũ đã về. Hàng ngàn người dân vùng lũ mong mỏi được tất bật mưu sinh cùng con nước. Nhưng thực tế nước lũ thời điểm này còn thấp, sản vật mùa lũ vì vậy cũng chưa nhiều nên nông dân chưa thể sống bằng lũ.

Như vợ chồng anh Lâm Minh Hưng ở xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng với hàng trăm cái lợp bắt cá mùa lũ chưa đem đi đặt do lũ thấp, đành tạm tìm việc làm trong khu công nghiệp ở xa nhà.

Hay gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng cũng vậy. Anh Hùng chia sẻ, kinh nghiệm của người dân vùng lũ là từ tháng Tư âm lịch đã rục rịch chuẩn bị ngư cụ, phương tiện khai thác thủy sản để chờ tháng Sáu nước lũ về.

Nông dân huyện Tân Hưng (Long An) chờ lũ về để khai thác thủy sản mưu sinh
Nông dân huyện Tân Hưng (Long An) chờ lũ về để khai thác thủy sản mưu sinh. (Ảnh: KT)

Nhưng năm nay, giờ đã giữa tháng Bảy âm lịch mà nước lũ về vẫn thấp, ngư cụ mang ra sử dụng thu về cá tôm không đáng kể. Thế là anh Hùng cùng nhiều bà con trong vùng chuyển dần từ đánh bắt sang nuôi các loại thủy sản để mưu sinh: "Nay rằm tháng Bảy rồi mà nước lũ chưa thấy gì. Còn nuôi cá mà mọi năm thả cỡ này giống thì thu được hơn 2 tấn cá thịt. Năm nay thả cũng vậy mà nước ít, thiếu cá mồi để làm thức ăn cho cá nuôi, phải mua thức ăn mà giá thức ăn cá quá mắc nên chắc không đạt. Nuôi cho có việc làm chứ giá cả như vầy thì chắc không có lời rồi."

Cũng trông chờ lũ để mưu sinh, nhiều nông dân trồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An chuyển từ trồng lúa cao sản ngắn ngày sang trồng lúa mùa nổi dài ngày với giống lúa Nàng Tây Đùm. Trước mắt, bà con đã canh tác được hơn 100 ha tại ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng. Giống lúa này có thể ngập trong nước nếu lũ về cao bất thường và dưới chân ruộng nông dân có thể nuôi cá để tăng thu nhập.

Anh Trương Văn Phú, Giám đốc Hợp tác xã Vụ lúa mùa nổi Long An, vừa được thành lập vào tháng 07/2022 nói: "Trong HTX cũng có nhiều ngành nghề. Trong đó cũng có thể kết hợp du lịch, qua đó sử dụng, tiêu thụ mắm, khô mà bà con nuôi trồng sản xuất. HTX cũng tính mở rộng thành khu sinh thái để đón khách du lịch".

Chủ động đón lũ bất thường

Trước những dự báo lũ về chậm và bất thường, chính quyền địa phương vùng lũ đã hướng dẫn cho nông dân nuôi trồng thủy sản có kế hoạch phù hợp, tìm nguồn thức ăn thay thế các loại thức ăn từ mùa lũ. Bên cạnh đó, địa phương khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng đối với diện tích lúa và hoa màu cho phù hợp với tình hình thực tế, giảm thiệt hại do lũ.

Ông Lê Văn U Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết: "Hiện ở Tân Hưng cây chủ lực là cây lúa, còn nuôi trồng thời gian gần đây thì tập trung phần lớn là cá tra bột. Phòng Nông nghiệp huyện cũng giúp hỗ trợ bà con chọn những giống tốt có giá thành cao, ổn định thì bà con trồng mới có thể kiếm thêm thu nhập, chứ không làm đại trà mà những loại giống có giá thành thấp như trước đây".     

Hải Trung