Theo đó, sau 2 năm (2022-2024) thực hiện dự án, IUCN phối hợp Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen trồng và khôi phục 17ha rừng với số lượng 340.000 cây tràm; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho khoảng 500 người dân và học sinh các xã vùng đệm. Kinh phí do Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN và Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tài trợ.
Giám đốc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen khẳng định, việc phục hồi 17ha trong tiểu khu 11 giúp cho đơn vị thực hiện tốt công tác phục hồi, bảo tồn loài, cảnh quan tự nhiên đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai trong khu vực; đồng thời, là nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển các loài thủy sản, bò sát và nhất là chim nước quý hiếm.
Được biết, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được giao quản lý gần 2.000ha là vùng lõi đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An. Tuy nhiên, qua khảo sát vào năm 2021 của Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, diện tích rừng đặc dụng giảm gần 140ha so với diện tích rừng kiểm kê năm 2014.
Việc khôi phục diện tích rừng tràm bị suy thoái tại Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen góp phần phục hồi hệ sinh thái vùng ngập lũ, trữ nước ngọt, hấp thụ carbon, điều hòa khí hậu cũng như hoàn thành kế hoạch trồng rừng do UBND tỉnh phê duyệt cho Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Bên cạnh đó, còn góp phần phục hồi đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn các vùng đất ngập nước nói chung, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nói riêng trong thời gian tới.
Năm 2015, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được công nhận là khu Ramsa thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới và là khu được ghi nhận với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, với 156 loài thực vật, 149 loài động vật, 122 loài chim, 87 loài thủy sản, trong đó có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam.
PV