Sáng nay (3-6), tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948-11/6/2018) và tuyên dương các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động qua các thời kỳ.
Đọc diễn văn kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, trong bối cảnh vô cùng khó khăn, trước nguy cơ của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, thế nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”, ngày 27-3-1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phát động thi đua ái quốc nhằm làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Ngày 11-6-1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” với mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân.
Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, làm việc gì đều phải thi đua. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt đời sống nhân dân, dẹp tan khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta nhất định thắng lợi.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc diễn văn kỷ niệm
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào thi đua yêu nước cụ thể đã được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ sâu rộng trong cả nước như phong trào “Tuần lễ vàng”, “Vụ chiêm thắng lợi”, “Vụ mùa chủ lực”, “Cơm no, súng tốt, đánh thắng”, “Thanh toán mù chữ”, “Bình dân học vụ”...
Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Hàng chục vạn chiến sĩ, dân công từ khắp các nẻo đường Tổ quốc đã vượt qua bom đạn, đèo cao, vực sâu để chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Hàng vạn thanh niên xung phong ngày đêm anh dũng mở đường, bảo đảm giao thông và hậu cần phục vụ chiến đấu. Đồng bào ở hậu phương ra sức thi đua tăng gia sản xuất; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong công nhân diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi; ngành giáo dục tham gia xóa nạn mù chữ; ngành quân giới thi đua sản xuất nhiều vũ khí phục vụ chiến đấu; chiến sĩ thi đua giết giặc lập công...
Từ các phong trào thi đua, nhiều tấm gương sáng đã xuất hiện. Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có 154 chiến sĩ thi đua công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc về dự.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá kết quả thi đua và nhấn mạnh: "Thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, là góp phần giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới. Thi đua là cải tạo con người. Phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến này. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to lớn hơn nữa về quân sự, chính trị, kinh tế". Và Người khẳng định: "Người người thi đua, ngành ngành thi đua; ta nhất định thắng, địch nhất định thua".
Đại hội đã bầu 3 Anh hùng Lao động là Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Thăng; 4 Anh hùng quân đội là Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị. Đây là 7 anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của quân và dân Việt Nam. Chính sự động viên đó đã tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng, động lực mạnh mẽ. Nhiều tấm gương quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã xuất hiện.
Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 11-6 hằng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện, triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, 70 năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới những tên gọi, nội dung, hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ.
Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta, càng khẳng định thi đua là động lực tinh thần và qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đây vừa là kinh nghiệm thực tiễn, vừa bổ sung và khẳng định quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua là động lực, là biện pháp để động viên nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Trong thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của đất nước và hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực và quốc tế cũng như cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cả cơ hội và thách thức. Thấm nhuần tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Người "càng khó khăn, càng phải thi đua", thi đua - khen thưởng là động lực phát triển, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới.
Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên liên tục hằng ngày, từ đó đòi hỏi chúng ta càng nỗ lực hơn tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót để thi đua thực sự trở thành động lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.
"Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giúp mỗi chúng ta ôn lại truyền thống, nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng thi đua yêu nước của Người, phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn, chung sức, đồng lòng cùng đất nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được gặp gỡ, giao lưu với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, những con người đã vượt lên khó khăn, gian khổ để khẳng định sức sáng tạo, tinh thần lao động miệt mãi; những con người đã thầm lặng hy sinh, cống hiến vì cộng đồng, vì sự đi lên của đất nước.
Hoan Nguyễn