Nếu làm phép so sánh đơn giản, không khó nhận ra, thu nhập của một số tiến sĩ hiện nay quả thực đáng buồn.

“Hẩm hiu” lương tiến sĩ

Hiện tượng "chảy máu chất xám" đã tồn tại nhiều năm qua ở Việt Nam, nhưng vẫn là vấn đề nổi cộm. Trên thực tế, nguyên nhân hàng đầu là do cơ chế trả lương và đãi ngộ người tài quá bất cập. Trong khi đó, mức chi phí mà một người phải bỏ ra để hoàn thành khóa học thạc sĩ, tiến sĩ lại không hề nhỏ.

Trung bình hiện nay, người theo học khóa đào tạo thạc sĩ cần bỏ ra 20 - 30 triệu đồng để hoàn thành hai năm "dùi mài kinh sử". Đương nhiên, khóa đào tạo tiến sĩ sẽ tốn nhiều chi phí hơn. Ngoài tiền học phí, người học còn phải lo thêm vô vàn khoản phí "ngoài luồng" khác.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước lại không có thang lương cho học vị thạc sĩ hay tiến sĩ.

Và thực tế cho thấy, tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay đang phải nhận mức lương trên dưới 3 triệu đồng sau nhiều năm được đào tạo bài bản, tốn kém không phải chuyện hiếm.

Theo Petrotimes, anh Nguyễn Hùng, giảng viên một trường đại học Hà Nội đã có cảm giác "khủng hoảng" khi trở về nước sau khóa đào tạo tiến sĩ theo Đề án 322 ở Trường đại học Paris 6, Pháp. Đang từ cuộc sống đầy đủ, lúc về nước anh chỉ nhận mức lương 2,5 triệu/tháng trong 6 tháng đầu do chưa tham gia nhiều hoạt động khác của khoa. Hiện giờ, mức lương của anh Hùng là 3,6 triệu đồng/tháng, không thay đổi so với trước lúc đi học.

Trong khi đó, anh Trần Văn Long, giảng viên một trường đại học kỹ thuật tại Hà Nội hiện được hưởng hệ số lương 3,33. Anh này đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh vào năm 2011. Nếu không dạy vượt tiết, tổng thu nhập một tháng của anh Long ở trường chỉ là 3,5 triệu đồng. Nếu dạy vượt tiết, giờ hành chính anh được trả 25.000 đồng/tiết, ngoài giờ là 50.000 đồng/tiết. “Lương giảng viên thì thấp, chúng tôi còn phải lo cho vợ con, nhà cửa, thế này thì thạc sĩ hay tiến sĩ cũng có khác gì cử nhân mới ra trường đâu?”, anh Long chia sẻ.

Hưu trí hưởng lương 40 triệu đồng/tháng

Chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến về đề án thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung do Bộ LĐTB-XH và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam tổ chức ngày 26/9 vừa qua tại Hà Nội, ông ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB-XH) cho biết, có nhiều người được hưởng mức lương hưu 40 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, không ít người hưởng mức từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng vẫn có hàng ngàn người chỉ hưởng mức lương hưu 1,1 triệu đồng/tháng.

Điều này đang tạo ra sự không công bằng trong quy định hiện nay. Việc ra đời quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ khuyến khích người lao động tiết kiệm chi tiêu lúc trẻ để có nguồn thu nhập bổ sung cao hơn lúc già, chia sẻ gánh nặng, áp lực cho ngân sách.

Theo kế hoạch, dự thảo đề án này sẽ được Bộ LĐTB-XH trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 và nếu được thông qua sẽ triển khai thí điểm tháng 1/2014.

Osin “cao cấp”: 12 triệu đồng/tháng

Thời gian gần đây, người ta thường so sánh lương tiến sĩ, cử nhân, thậm chí nhân viên ngân hàng với lương...osin. Vậy thực tế, mức lương mà một lao động giúp việc được hưởng hàng tháng có "hoành tráng" hơn những ngành nghề khác trong xã hội?

Theo kết quả nghiên cứu về lao động giúp việc gia đình vừa được Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) và Tổ chức quốc tế OXFAM công bố ngày 28/8 vừa qua, mức lương năm 2013 mà một lao động giúp việc được hưởng đã tăng lên 3,2 triệu đồng/tháng (chưa kể các khoản thưởng). Như vậy, mức lương này đã cao hơn hẳn so với 1,1 triệu đồng/tháng mà đối tượng lao động này được hưởng trong năm 2008. Đáng chú ý hơn, so với một lao động mới ra trường 2,7 triệu đồng/tháng, thì mức lương của lao động giúp việc cao hơn hẳn.

Thậm chí, thời gian gần đây, nhiều gia đình người Việt Nam, hoặc gia đình có chồng Việt, vợ Tây và ngược lại đang có "mốt" vung tiền thuê osin ngoại. Những người giúp việc này chủ yếu có quốc tịch Phillipines, Malaysia.

Ưu điểm lớn nhất của osin ngoại là nhanh nhẹn và có thể giúp trẻ em trong các gia đình trau dồi vốn ngoại ngữ. Ngoài ra, một số gia đình từng có thời gian sinh sống, làm việc tại nước ngoài, sẵn sàng đưa osin ngoại về theo vì đã "quen nếp".

Vậy mức lương mà những ô sin "Tây" tại Việt Nam nhận được là bao nhiêu? Con số trung bình rơi vào khoảng 10 - 12 triệu đồng/tháng. Sở lao động TP.HCM ước tính, số lao động giúp việc là người nước ngoài nhập cư vào Việt Nam sẽ ngày một tăng. Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả và từng sinh sống tại nước ngoài cũng sẽ có xu hướng thuê đối tượng lao động này nhiều hơn.

Theo tri Thức