Giao dịch lao dốc nhà đầu tư cắt lỗ, thoát hàng

Không còn cảnh chen lấn xếp hàng như thời điểm “sốt đất”, các hoạt động công chứng và hồ sơ nhà đất tại phòng công chứng Củ Chi (địa chỉ số 144A tỉnh lộ 8, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) khá ảm đạm, hầu hết các giao dịch tại đây đều giảm đáng kể so với thời điểm nóng sốt đất cách đây hơn 2 tháng.

Chị Ngọc Hà, một môi giới tự do cho hay, khoảng hơn tháng nay chị nhận được khoảng 15 nền đất do NĐT gửi bán, nhưng hiện tại chị mới bán được khoảng 2 nền (1 nền chưa đi công chứng). Chị Hà cho hay, thực ra thời điểm này người bán nhiều nhưng người mua ít nên hàng của khách gửi bị ngâm lại. Theo môi giới này, trừ các khu vực trung tâm thị trấn, đất vùng ven Củ Chi giờ hàng bán ra người mua ít hẳn.“Mắc kẹt” đất nền Củ Chi, nhiều nhà đầu tư vẫn gắng ‘ôm hàng đợi thời’ - Hình 1

Củ Chi hậu ‘sốt’ đất nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn ‘ôm hàng đợi thời’

"Khoảng hơn 1 tuần nay, số lượng người đi xem đất có nhỉnh hơn chút so với tháng trước nhưng chủ yếu họ đi thăm dò tình hình, giá cả là chính chứ giao dịch thành công không nhiều", chị Hà cho biết thêm.

Mặc dù giá đất Củ Chi giảm hơn so với đợt nóng sốt nhưng nhiều NĐT ôm hàng trước đó muốn thoát hàng cũng không dễ dàng ở giai đoạn này. Theo ghi nhận, không ít NĐT thời điểm nóng sốt "ôm" một lúc nhiều nền, hiện đất chững lại, bán ra để thu vốn nhưng khó  ra hàng vì sức mua đã giảm nhiệt rõ nét.

Một số chấp nhận cắt lỗ sâu để bán nhanh nhưng cũng chưa bán được. Chị Hà cho biết, chị nhận vài nền đất NĐT đã giảm giá khoảng 100-300 triệu đồng/nền so với thời điểm mua nhưng đến nay vẫn chưa có khách chốt.

Tìm hiểu tại các văn phòng công chứng khác như: Tân Quy (địa chỉ số 27, tỉnh lộ 8, xã Tân Thạnh Tây, Củ Chi), Bách Lộc (địa chỉ số 28 tỉnh lộ 8, ấp 1A, xã Tân Thạnh Tây, Củ Chi) được biết, số lượng hồ sơ nhà đất đã giảm nhiều.

Trò chuyện với một nhân viên tín dụng ngân hàng đang làm thủ tục cho khách vay đầu tư đất, anh này cho biết: Hồ sơ vay vốn của khách đã giảm mạnh so với thời điểm nóng sốt đất. Hiện tại, thị trường đang chững lại, vì vậy ngân hàng phải xem xét thật kỹ hồ sơ vay và tính pháp lý của lô đất khách đang đầu tư thì mới quyết định cho vay số tiền cụ thể. 

Có thể nói Củ chi hiện không còn “sốt” đất. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá đất các khu vực ở đây đã tăng khoảng 15%-25%, thậm chí một số nơi tăng trên 35%. Sự tăng trưởng nóng này diễn ra thời điểm sau Tết nguyên đán đến tháng 4/2018. Đến khoảng giữa tháng 5/201, tình trạng nóng sốt cục bộ tại khu vực Củ Chi đã được kiểm soát hoàn toàn sau những biện pháp can thiệp của chính quyền.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù thị trường chững lại, có hiện tượng nhà đầu tư rao bán cắt lỗ nhưng thực chất giá nhà đầu tư bán ra mỗi m2 đã chênh khoảng vài giá so với thời điểm mua vào. Điều này cho thấy, dù mức chênh không bằng thời điểm sốt đất nhưng một số nhà đầu tư vẫn khá lời khi bỏ tiền vào đất nền khu vực Củ Chi.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, đất nền vùng ven Tp.HCM nóng sốt cục bộ thời gian qua một phần do nhà đầu cơ thổi giá, môi giới làm giá. Hiện tại, vấn đề này đã được kiểm soát, giá không còn tăng chóng mặt nữa. Tuy nhiên, nhìn tổng thể nguồn hàng trong NĐT vẫn còn khá lớn chưa thoát ra hết.

Vẫn trữ hàng … chờ thời

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các NĐT khó “thoát hàng” đều rơi vào những sản phẩm diện tích từ 1.5000 m2  - 10.000 m2 tại các xã: Phú Hòa Đông, Nhuận Đức, Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân An Hội, Bình Mỹ… Đa phần các sản phẩm này đều chưa lên được thổ cư hoặc không được phép tách thửa theo Quyết định 60/2017/QĐ-UBND.

Tiếp xúc với người môi giới tên Hùng tại thị trấn Củ Chi, anh này cho hay, hiện tại thị trường đã chững lại, hàng tồn còn nhiều, tình hình giao dịch đất nền giảm hơn 40% so với thời điểm nóng sốt đất, rất ít các giao dịch thành công. Tuy nhiên, giá không xuống mạnh vì anh lý giải rằng: “Hiện tại quỹ đất lớn ở Hóc Môn đã hết, chỉ có ở Củ Chi là còn nhiều. Hơn nữa cơ sở hạ tầng tại đây đang dần hoàn thiện, trong tương lai thì các công ty, xí nghiệp ở TP.HCM cũng đang dần dời về nơi đây nên nhiều nhà đầu tư thật sự và có năng lực tài chính vẫn quyết định “trữ hàng” để đón đầu cơ hội. Chỉ một số nhỏ là NĐT “lướt sóng” vốn ít mới bán ra, họ chấp nhận lỗ để xoay đồng vốn”.

Anh cho biết thêm, ngoài công việc môi giới, anh còn là một nhà đầu tư. Hiện tại, anh vẫn đang “trữ hàng” lô đất khoảng 2.500 m2 (trong đó 500 m2 là đất thổ cư), khi chúng tôi hỏi vì sao anh không bán, thì anh cho rằng thời điểm này bán chưa được giá và anh quyết định giữ lại lô đất này để chờ thị trường ấm lên lại. Anh cho biết thêm, nhiều nhà đầu tư cũng quyết định "trữ hàng" giống như anh để chờ tăng giá.

Trên thực tế tại một số tuyến đường: Nguyễn Thị Nê (xã Phú Hòa Đông), Phạm Văn Cội (xã Phạm Văn Cội), Nguyễn Thị Rành (xã Trung Lập Hạ)… như anh Hùng đã nói, thì những lô đất trống diện tích lớn còn khá nhiều. Quan sát cả ngày nhưng chúng tôi không còn thấy hình ảnh khách xem đất hay môi giới dẫn khách đi xem. Tiếp xúc với một số người dân địa phương tại các khu vực được biết, cách đây hơn 2 tháng, lượng khách và môi giới đi xem đất rất nhiều, nhưng hiện tại thì rất ít, nhiều khi 2-3 ngày mới thấy có khách đến xem đất.

Anh Hải, một NĐT đất nền Củ Chi đang sở hữu 3 nền đất chưa bán ra lần lượt diện tích 150m2, 250m2 và 350m2 tại các xã Phú Hòa Đông và Trung Lập Hạ. Được biết, thời điểm tháng 2/2018, NĐT này mua đi bán lại khá nhiều nền trong khoảng thời gian ngắn, 3 nền này NĐT cho hay "để dành" vì chưa lời như kỳ vọng, mặc dù trước đó NĐT này tiết lộ, so với giá mua vào đã chênh khoảng 5-7 triệu đồng/m2.

Hải Đăng