Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng ở Tây nguyên, Lễ hội Cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách.
Vào ngày 22-23/7, tại làng kháng chiến STơr (xã Tơ Tung, huyện KBang, Gia Lai) đã phục dựng lại các lễ hội truyền thống của người Bahnar và tổ chức Ngày hội Văn hóa cồng chiêng trên địa bàn. Tham dự lễ hội có hơn 400 nghệ nhân là đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar đến từ 14 đoàn của 10 xã, thị trấn. Ban tổ chức cũng đã mời thêm huyện Kong Chro và thị xã An Khê cùng tham gia biểu diễn cồng chiêng trong dịp lễ hội này.
Những tiết mục cồng chiêng, nghi thức lễ hội đặc sắc được các nghệ nhân trình diễn hết mình
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên...).
Ngày hội văn hóa cồng chiêng tại KBang đã tái hiện lại những nét văn hóa truyền thống của người Bahnar tại làng Kháng chiến Stơr (một trong những di tích ghi dấu những chiến công của quân và dân đồng bào dân tộc thiểu số trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đặc biệt là Anh Hùng Núp-cánh chim đầu đàn của dân tộc Tây Nguyên).
Cũng trong lễ hội, các du khách được thưởng thức bữa tiệc âm thanh của núi rừng Tây Nguyên được phát ra từ tiếng cồng, tiếng chiêng, đàn Tơ rưng, đàn đá, tiếng trống…
Lồng ghép vào lễ hội, du khách đã được hòa mình vào cảnh sinh hoạt đời thường của người Bahnar như: dệt thổ cẩm, tạc tượng, đan lát các dụng cụ sinh hoạt. Đặc biệt là được thưởng thức những món ăn đặc trưng đã gắn bó với bà con từ lâu đời như cơm lam, gà nướng, lá mì (sắn) xào cà đắng…
Ngày hội văn hóa cồng chiêng là dịp để các nghệ nhân trong và ngoài huyện thể hiện sự đam mê của mình đối với nghệ thuật cồng chiêng, mang tiếng cồng tiếng chiêng đến với mọi người.
Đây cũng là cơ hội giúp cho đồng bào giữ gìn, bảo quản các loại cồng chiêng tại gia đình, giữ lấy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần làm phong phú văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Bahnar huyện Kbang, tỉnh Gia Lai nói riêng.
Phạm Hoàng- Kim Yến
Một số hình ảnh được ghi lại tại Ngày hội văn hóa cồng chiêng huyện KBang năm 2017:
Những cô gái Bahnar nhịp nhàng bên những chiếc cối giã gạo
Chàng trai Bahnar mạnh mẽ và khéo léo trình diễn đẽo tượng gỗ để làm nhà mồ
Màn múa mừng lúa mới, xua đuổi tà ma của người Bahnar
Đan lát các đồ dùng sinh hoạt cũng là bản sắc cần được bảo tồn
Trẻ em ngày càng yêu thích và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình