Liên tiếp phát hiện kho hàng giả “khổng lồ”
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TMĐT trở thành một phương thức quan trọng giúp người dân giao dịch, mua bán hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày, tránh được các tiếp xúc trực tiếp không cần thiết.
Tuy nhiên, chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu khổng lồ, nhiều đối tượng lợi dụng TMĐT để buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng có dấu hiệu vi phạm pháp. Họ tận dụng công nghệ internet để kinh doanh các mặt hàng vi phạm; đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng; gần đây nhất là các vụ việc lợi dụng hình thức livestream trên mạng xã hội để bán hàng lậu, hàng giả…
Có thể nêu một số vụ điển hình gần đây.
Ngày 31/3/2021, đại diện Cục QLTT tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng có diện tích gần 1.000 m2 của ông Trần Văn Bản (thôn Điềm Khê, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn). Kho hàng chứa một lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Ngày 30/3, Tổ công tác 368 phối hợp với Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện và thu giữ hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm… có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Gucci, Chanel, LV, Adidas. Được biết, trong 6 tháng gần nhất, cơ sở này đã chốt được 655.000 đơn hàng, tương đương gần 3.600 đơn mỗi ngày và trung bình cứ 24 giây là chốt được một đơn.
Cùng ngày, Đội QLTT Số 1 (Cục QLTT Hà Nam) thực hiện kiểm tra đột xuất Xưởng sản xuất quần áo thuộc Doanh nghiệp tư nhân Sử Hằng. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang tổ chức sản xuất quần áo thời trang nam các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu “Adidas”, “Nike”, “Lacoste”, “Burberry” đang được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 17/3, đại diện Cục QLTT Nam Định và PC 03 (Công an tỉnh Nam Định) ập vào kho trữ hàng hóa giả nhãn hiệu Hermes, LV, Chanel... tại thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Kho hàng rộng hơn 500 m2 tàng trữ hàng chục nghìn sản phẩm chủ yếu là túi nhái nhãn hiệu Hermès. Ước tính, có tới 20.000 - 30.000 sản phẩm, chủ yếu là túi xách nhái nhãn hiệu Hermes, LV, Chanel đang được trữ tại đây với trị giá khoảng 6 tỷ đồng.
Tổng cục QLTT cho biết, các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream bán hàng trên mạng xã hội...
Giải pháp nào ngăn chặn hàng giả trên mạng?
Theo các cơ quan QLTT, hiện có hơn 30 ngành hàng bị làm giả, làm nhái tại Việt Nam. Trong đó, có hai loại là hàng giả bán giá rẻ, hàng giả bán giá “thật” và loại thứ 2 mới gây “nguy hiểm”, gây khó cho người tiêu dùng và quản lý.
Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng trong đó có QLTT đã tiến hành tấn công mạnh mẽ vào các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm, tuy nhiên hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn né tránh, tái diễn và tìm cách tuồn vào trong các kênh phân phối.
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, Chu Xuân Kiên cho biết, khó khăn lớn nhất khi phát hiện và xử lý các vụ việc trên môi trường TMĐT là phải có sự việc rõ ràng, phải có người mua và có món hàng cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh, khiến lực lượng QLTT không kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ, nên công tác phát hiện và xử lý càng khó khăn.
Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho rằng, bản chất của việc bán hàng trên mạng là người bán và người mua không gặp mặt nhau. Đặc biệt, những kho hàng giả được đặt tại các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, trong căn hộ chung cư cao cấp, có hàng rào cao kín kẽ, có hệ thống camera giám sát hiện đại,… thì một mình QLTT không thể tiếp cận sát được, chỉ là từ xa.
Về giải pháp thời gian tới, Tổng cục QLTT đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế, rà soát phân loại các website; tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Đặc biệt, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT.
“Cần đẩy mạnh xúc tiến làm việc với Facebook để hợp tác, xử lý nhanh các vấn đề liên quan tới bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với những phương thức kinh doanh rất mới như livestream trên mạng xã hội này”, ông Linh kiến nghị.
Bên cạnh đó, các sàn TMĐT, trang mạng xã hội cũng phải nâng cao trách nhiệm trong sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm. Đặc biệt, cần có quy định sàn TMĐT và người bán hàng trên sàn TMĐT phải thống kê, lưu giữ các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa để tăng trách nhiệm.
Và quan trọng nhất, người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái khi tham gia mua, bán những mặt hàng này.
Bởi thực chất, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng là mắt xích quan trọng nhất. Nếu người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay các hàng hóa này, các tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra.
Linh Tuệ