Các bến xe đóng góp vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh công cộng ở hầu khắp các bến xe lại chưa được chú trọng quản lý. Rác thải tràn lan, mùi khai nồng nặc… đang là thực trạng chung ở các bến xe lớn trên địa bàn TP. HCM.
Nơi nào cũng bẩn
Có mặt tại Bến xe Miền Tây vào chiều chủ nhật, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp vứt rác bừa bãi, nhất là ở khu vực dành cho xe buýt. Ngày cuối tuần, khách từ các nơi đổ về thành phố nên bến xe bẩn hơn ngày thường. Người dân cứ vô tư xả rác mặc dù các thùng rác được bố trí hợp lý. Tại Bến xe Miền Đông, mỗi lần xe trả khách là bãi xe lại đầy rác. Khi xe và người đi rồi là bọc ni-lông, giấy báo nằm vương vãi dưới đất. Đội ngũ công nhân vệ sinh phải quét dọn liên tục nhưng tình hình đâu lại vào đấy. Tại Bến xe An Sương, thực trạng rác thải còn nghiêm trọng hơn. Khu vực đậu xe khách, xe buýt, rác xuất hiện với mật độ dày đặc.
Tiểu tiện bừa bãi cũng là một vấn đề nhức nhối ở các bến xe lâu nay. Người đi đường chỉ cần đi ngang bến xe thôi cũng đủ thấy khó chịu vì mùi khai nồng nặc. Nhiều lái xe buýt, xe khách cứ trả khách xong là ra sau xe vô tư đi vệ sinh dù lúc ấy có rất nhiều người và nhà vệ sinh cách đó cũng không xa. Tình trạng này phổ biến ở các bến xe: Miền Đông, Miền Tây, An Sương, Chợ Lớn. Ngay cả bãi đậu xe buýt Công viên 23-9, là nơi có rất nhiều khách nước ngoài lui tới nhưng tình hình cũng tương tự. Giải thích về hành động trên, một bác lái xe chỉ tay về hướng nhà vệ sinh cho biết: “Vô đó làm gì tốn tiền, đứng ngoài đây cho mát”. Tại Bến xe Miền Tây, khu vực hàng rào từ cổng ra đến cổng vào là chỗ đậu xe thường xuyên của một số lái xe. Khu vực này ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải và nước tiểu. Không những lái xe mà nhiều khách bộ hành cũng xem đây là nhà vệ sinh không tốn phí. Hành vi khiếm nhã trên khiến hành khách đi xe rất khó chịu. T, sinh viên một trường đại học trên địa bàn thành phố bày tỏ bức xúc: “Những người đó thật mất lịch sự, quay đi chỗ này lại bắt gặp chỗ khác. Mỗi lần vô bến xe, tôi bịt hai cái khẩu trang mà vẫn không chịu nổi, cứ mong xe chạy thật nhanh để thoát khỏi chỗ hôi hám đó”.
Ở mỗi bến xe đều có nhà vệ sinh công cộng, hành khách phải trả phí cho mỗi lần sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà vệ sinh này không bảo đảm vệ sinh. Ở Bến xe Miền Đông, khách có nhu cầu vào nhà vệ sinh công cộng phải trả phí 2.000 đồng. Vậy nhưng, trên nền nhà vệ sinh đầy đất cát vương vãi, bồn rửa thì tắc nghẽn. Nhà cầu cũng không sạch sẽ, giấy vệ sinh, vỏ thuốc lá, ống hút nằm la liệt dưới sàn.
Cần có biện pháp cụ thể
Bến xe là nơi công cộng, lượng khách tứ xứ đổ về hàng ngày rất đông. Mỗi người có trình độ nhận thức khác nhau. Vì vậy, việc kêu gọi mọi người có ý thức giữ gìn vệ sinh chung là khó khăn và bất khả thi. Tuy nhiên, việc xử phát và phạt nặng là cần thiết đối với những hành vi thiếu ý thức. Có một thực tế là hành khách đông nhưng lực lượng bảo vệ, quản lý tại bến xe có hạn. Việc xử lý một hay hai trường hợp không có tính răn đe và phổ biến cao. Các bến xe nên có bảng nội quy, đặt ở nơi mà ai cũng có thể quan sát. Lắp đặt hệ thống camera làm bằng chứng xử lý các trường hợp vi phạm. Nên phân chia khu vực ăn uống riêng, quản lý có hệ thống người buôn bán hàng rong để giảm bớt lượng rác thải. Có thể nói, đây là những vấn đề khó khăn nhưng có thể thực hiện được.
Chính phủ có Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 28/12/2013 về việc xử ký vi phạm trong vấn đề giữ gìn vệ sinh chung. Theo đó, các hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nếu quy định này được đưa vào thực hiện một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch thì tình trạng này có thể cải thiện.
Một thành phố văn minh, hiện đại nhưng để tình trạng rác thải, phóng uế bừa bãi, tràn lan tại các bến xe là không thể chấp nhận. Các cơ quan, ban, ngành hữu quan cần có chế tài xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm, phát huy tính sáng tạo trong quy hoạch, thiết kế các công trình trong bến xe. Mỗi người dân cũng cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung để cùng nhau xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Theo Thời nay