Tháng 06/2021, Bộ Công Thương đã ra quyết định 1578 nhằm áp dụng mức thuế phòng vệ thương mại là 47,64% đối với mặt hàng đường mía có nguồn gốc từ Thái Lan. Thế nhưng, lượng đường nhập khẩu không có xu hướng giảm mà lại ngày một tăng cao bởi các nước ASEAN không có khả năng sản xuất đường mía.
Bởi lẽ này mà tháng Tám năm nay, Bộ Công Thương chính thức ban hành quyết định số 1514 về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN. Lượng đường nhập khẩu từ sau khi bị áp thuế 47,64% đã giảm chỉ còn khoảng 65.000 tấn.
"Chỉ còn khoảng 60% so với các tháng trước, lượng đường nhập khẩu giảm từ chính 05 nước áp dụng biện pháp lẩn tránh. Sang tháng Chín, mức độ tiếp tục giảm. Với áp lực đường nhập giảm bớt như vậy, thị trường đường dễ thở hơn. Lượng đường sản xuất từ mía tồn kho trước đó không bán được, trong 02 tháng gần đã bán được", ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc áp thuế chống bán phá giá với đường mía nhập từ ASEAN đã tạo hiệu ứng tích cực cho ngành mía đường trong nước, tăng 8 - 10% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ phòng vệ thương mại hiệu quả đã tạo điều kiện cho đường sản xuất từ mía được tiêu thụ sôi động, và cải thiện được giá bán.
"Mía đường Việt Nam sẽ cố gắng tận dụng sự hỗ trợ mà biện pháp phòng vệ thương mại mang lại. Trên cơ sở biện pháp đó, cố gắng phục hồi lại vùng nguyên liệu, Hiệp hội sẽ tiếp tục theo dõi để bảo đảm biện pháp phòng vệ thương mại phát huy hiệu quả", ông Lộc nói thêm.
Hiện giá mía nguyên liệu đã tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn so với năm trước khiến người nông dân quyết định đầu tư vào cây mía. Ngành đường mía nhờ vậy mà có nhiều tín hiệu tín hiệu khởi sắc. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ khôi phục lại vùng nguyên liệu mía tới 300.000 ha.
Hồng Nhung (t/h)