Các diễn giả trao đổi về xúc tiến nông sản sạch qua các sàn thương mại điện tử
Một trong những lý do lớn nhất khiến cho nông sản sạch khó tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử là do chu kỳ “sống” của sản phẩm. Phát biểu tại Hội nghị “Giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020”, mới được tổ chức gần đây, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê chia sẻ: “Tôi có vào một số sàn thương mại điện tử thì thấy số lượng hàng hóa, cửa hàng của các doanh nghiệp rất hạn chế. Trong khi đó hoạt động mua bán nông sản trên Facebook lại rất sôi động, với người tham gia chủ yếu là người trồng và người mua nhỏ lẻ. Đặc biệt, thị trường này rất sôi động khi dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến phải giãn cách xã hội tại Việt Nam đợt đầu năm và tại Đà Nẵng hồi giữa năm. Điều này cho thấy đã có sự khác biệt giữa các kênh thương mại điện tử chính thống và trên Facebook, và đâu là rào cản?”.
Bà Vũ Kim Hạnh (Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao) cho biết, bà là người theo đuổi việc làm nông sản sạch khá nhiều năm. Bà Kim Hạnh cho rằng nông sản tươi khó bán trên sản vì chu kỳ sống của sản phẩm không dài. Các loại nông sản được tiêu chuẩn hóa cũng chưa nhiều, cho nên thực tế chủ các sàn thương mại điện tử cũng không biết nên định giá và sắp xếp thứ hạng sản phẩm như thế nào cho phù hợp.
Một “người trong cuộc”, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sen Đỏ) cho biết, nông sản bao giờ cũng là loại hàng hóa khó khăn hơn khi lên sàn thương mại điện tử. Thông thường, khách hàng chỉ mua các loại hàng hóa giá rẻ, bán dễ, các loại hàng hóa có cấu trúc sẵn (hàng điện máy, điện tử…) Nông sản và thực phẩm khó bản hơn do phải có niềm tin. “Người tiêu dùng hiện nay thường mua thông qua những kênh đã quen thuộc như người quen, bạn bè… Tuy nhiên, hạn chế của các kênh này là chỉ một cộng đồng nhỏ. Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử lại có bảo chứng về chất lượng, uy tín cho các gian hàng” - ông Nguyễn Đắc Việt Dũng nói.
Một lý do khác, cũng như bà Vũ Kim Hạnh, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng cho rằng, nếu kéo dài được vòng đời của nông sản, người mua cũng yên tâm hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, hiện nay sàn thương mại điện tử có khoảng 35 nghìn shop, trong đó khoảng 10 nghìn shop là bán nông sản, số lượng này tuy lớn nhưng không nhiều như các loại hàng dễ bán khác, phổ biến là thời trang. Các sản thương mại điện tử cũng thường có những bảo đảm đối với người mua, như các dấu bảo đảm, cam kết cho người mua yên tâm.
Tín hiệu đáng mừng là hiện nay cả các doanh nghiệp cũng như nông dân đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc tìm kiếm kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Bà Phạm Thị Lý (Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển) cho biết, Trung tâm hiện có những nhóm khoảng 1.000 nhà sản xuất vừa và nhỏ, hằng ngày đưa ra các thông tin để trao đổi với nhau và đều có kế hoạch sản xuất. Bà Phạm Thị Lý đưa ra thí dụ về một doanh nghiệp sản xuất phồng tôm nhỏ, nhờ có sự kết nối này mà đã đưa hàng hóa vào được nhiều hệ thống cung cấp lớn như Vinmart, Bác Tôm…
Ngay cả cơ quan quản lý cũng đã có những động thái thúc đẩy đưa nông sản tiếp cận các sàn thương mại điện tử. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại và Kinh tế (Bộ Công thương) cho biết, Bộ đã có gian hàng Việt trên Sendo và Voso, có sự bảo trợ của Bộ Công thương, để giải quyết một số vấn đề về nông sản. Ông Đặng Hoàng Hải cũng cho biết, hiện nay công việc chủ yếu liên quan đến đào tạo, khi đưa công nghệ mới vào sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Một tín hiệu đáng mừng nữa là ngay tại Hội nghị, ngoài ký kết hợp tác của các tỉnh, địa phương, đã có các trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác và biên bản khung thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ, thúc đẩy phát triển phân phối trên sàn thương mại điện tử, cũng như hoạt động triển khai gian hàng Việt hỗ trợ trực tiếp sản xuất và phân phối trên các sàn thương mại điện tử Tiki, Sendo và Voso.
Tuyết Loan