THCLVới những người yêu thích du lịch, khám phá những vùng đất mới, những nét văn hóa độc đáo tại những điểm đến, thì mô hình du lịch homestay sẽ thỏa mãn hầu hết nhu cầu của khách du lịch, khi mà người dân và khách du lịch có thể cùng trò chuyện, ăn uống, khám phá những nét văn hóa của người dân bản xứ…

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch kiểu “mạnh ai người nấy làm” đang khiến cho mô hình du lịch homestay thiếu sự phát triển bền vững

Thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và hộ dân

Homestay là một loại hình “du lịch xanh” lý tưởng đối với các bạn trẻ quốc tế yêu thích khám phá văn hóa tại các nước bản địa. Khi đi du lịch homestay, thay vì ở khách sạn hoặc các nhà nghỉ các bạn sẽ ở ngay tại nhà của dân địa phương để có thể có một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống và nền văn hóa của nước chủ nhà. Khách được xem như một thành viên của gia đình và tham gia vào các sinh hoạt đời thường như ăn cơm chung mâm và trò chuyện trao đổi với các thành viên. Khách cũng được yêu cầu phải “nhập gia tùy tục” và biết cách tôn trọng các quy tắc và sự riêng tư nhất định của gia chủ.

Mô hình du lịch homestay: Cần có giải pháp đồng bộ - Hình 1

Mô hình Homestay đã phát triển nhiều năm tại Việt Nam

Trào lưu du lịch kết hợp với homestay đang càng ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn thế giới, và được các cộng đồng và chính phủ ủng hộ. Bởi lẽ bằng cách tham gia sống, ăn ở và sinh hoạt như thành viên trong gia đình bản địa không những là một trải nghiệm thú vì, mà còn tạo cơ hội để khách quốc tế kết bạn với người bản xứ. Tình bạn này có thể được duy trì bền vững ngay cả sau chuyến đi, giúp mang cả hai bên chủ-khách đến với căn nhà chung thế giới. Homestay giúp quảng bá hình ảnh về đất nước và con người một cách gần gũi và chân thật nhất. Đặc biệt đối với những gia đình có con cái trong độ tuổi đang đi học và phát triển tri thức, đây có thể xem là phương thức hay và hiệu quả nhất để các bạn có thể rèn luyện ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và vốn kiến thức về các nền văn hóa khác nhau từ nước bạn.

Mô hình homestay đã được phát triển nhiều năm qua tại Việt Nam, một số địa phương phổ biến mô hình này là các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng… Một số tỉnh miền Trung như Hội An, Huế.. và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng đã và đang đẩy mạnh loại hình du lịch này.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV tại các doanh nghiệp lữ hành lớn trên địa bàn Hà Nội, thì hầu hết tại các công ty lữ hành chưa có nhiều các tour homestay cho khách du lịch. Và số lượng khách du lịch tìm đến loại hình du lịch này chưa nhiều, nên các công ty du lịch không thể tổ chức tour cố định, khởi hành thường xuyên. Loại dịch vụ này chủ yếu được dân du lịch “bụi” hay “phượt thủ” truyền tai nhau vì chi phí rẻ hơn so với khách sạn, nhà nghỉ. Chính vì chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp và những hộ dân nên việc tự phát xây dựng để làm du lịch đang kéo theo nhiều hệ lụy, mà phần thiệt thòi là những người dân, khi mà “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.

Bên cạnh đó, việc nhiều địa phương đưa vào khai thác tràn lan các tour du lịch cộng đồng song không có chiến lược đầu tư và quản lý hiệu quả nên không tạo được dấu ấn riêng, chất lượng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều đoàn khách muốn nghỉ tại nhà dân, nhưng do văn hóa của từng dân tộc, việc vệ sinh chưa sạch sẽ khiến cho nhiều du khách ái ngại. Nhiều nơi còn chưa xây dựng được nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách, không có những sản phẩm đặc trưng để quảng bá đến du khách những nét đẹp văn hóa, hay những đồ lưu niệm được “gắn mác” các điểm đến, để du khách có thể nhớ đến như một món quà kỷ niệm.

Việc phát triển ồ ạt và thiếu bền vững đang dẫn đến việc “bão hòa” mô hình du lịch homestay.

Hãy để  homestay là một nét đẹp văn hóa

Lào Cai là địa phương đi đầu để tìm tòi cách làm homestay với việc nghiên cứu. Địa phương đã soạn thảo một bộ giáo trình dạy nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số làm homestay chỉ trong 12 ngày. Do đó, homestay ở đây phát triển ổn định, nhiều hộ có thể thu nhập tới cả chục triệu đồng mỗi tháng.

Mô hình du lịch homestay: Cần có giải pháp đồng bộ - Hình 2

"Nét duyên" bên khung cửi...

Ông Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Lào Cai cho biết: “Mô hình du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mới lạ và có sức cuốn hút với nhiều du khách nước ngoài. Tuy nhiên, điểm hấp dẫn nhất của loại hình này chính là nét văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa, nên không thể xây dựng đại trà. Nhiều tỉnh cứ tưởng xây dựng nhiều là tốt, nhưng thực chất nhiều điểm du lịch cộng đồng nhưng lại na ná giống nhau thì sẽ không thu hút được khách. Mô hình du lịch homestay phải có nét văn hóa độc đáo, mang đặc trưng riêng của từng vùng thì mới hấp dẫn được du khách”

Dưới góc độ doanh nghiệp, Bà Thùy Dương, Phó giám đốc Evivatour cũng đưa ra 3 yếu tố để phát triển homestay bền vững. Đó là, có nhà tư vấn giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế để có chiến lược phát triển bền vững; lựa chọn công ty lữ hành uy tín để bán sản phẩm tour cho người dân; và quan trọng nhất là dịch vụ phải thực sự có chất lượng, ấn tượng để níu chân du khách và kích thích họ quay trở lại. "Nếu chất lượng phục vụ tốt thì du khách sẽ hiểu được là gia đình này, địa phương này giữ được bản sắc văn hóa. Đừng cố gắng tạo ra những mô hình homestay theo kiểu hộ nào cũng giống viện bảo tàng, gây sự nhàm chán. Chất lượng mà tôi muốn nói đến là thái độ thân thiện, sự chân thành, nhiệt tình hỗ trợ khách và hướng dẫn khách tìm hiểu văn hóa bản địa".

Quang Nam