THCL - Một doanh nghiệp “ngẫu nhiên” trúng cả 3 gói thầu mua 301.200 chiếc phao áo cứu sinh, do Tổng cục Dự trữ nhà nước tổ chức đấu thầu. Điều này, khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về việc có “sự dàn xếp” và nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước tại những gói thầu này, đặc biệt khi hồ sơ mời thầu đã có thay đổi một số nội dung quan trọng.
Thông báo kết quả trúng thầu mua 301.200 phao áo cứu sinh được Tổng cục Dự trữ nhà nước đăng tải trên website ngày 05/01/2017
Nghi vấn những gói thầu đã được “đặt gạch”?
Thương hiệu & Công luận nhận được đơn thư phản ánh về những thắc mắc, nghi vấn xung quanh gói thầu trang bị áo phao cứu sinh số lượng lớn, được tổ chức bởi Tổng cục Dự trữ nhà nước. Theo đó, cả 3 gói thầu mua 301.200 chiếc phao áo cứu sinh sau quá trình mời thầu đã ngẫu nhiên được trúng thầu bởi một doanh nghiệp?
Theo đó, năm 2016, Tổng cục Dự trữ nhà nước được thực hiện chỉ tiêu kế hoạch - được Thủ tướng Chính phủ giao mua 301.200 chiếc phao áo cứu sinh để nhập kho Dự trữ Quốc gia (DTQG). Sau quá trình mời thầu, ngày 05/01/2017, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã phát đi một thông báo về kết quả lựa chọn nhà thầu với kết quả gói thầu số 01, gói thầu số 02, và gói thầu số 03 đều được trúng thầu bởi một đơn vị là là Công ty CP Dệt may Nam Việt, địa chỉ tại 203 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội).
Thế nhưng, nội dung đơn thư phản ánh lại chỉ ra khá nhiều điểm được cho là bất thường xung quanh hoạt động này. Theo đó, khi tổ chức mời thầu và thực hiện đấu thầu thì Tổng cục Dự trữ nhà nước đã có nhiều những thay đổi “lạ” trong hồ sơ mời thầu (HSMT) như một cách để “tạo điều kiện” cho đơn vị nào đó?
Anh L.T.A (Đội Cấn, Ba Đình) - trao đổi trong đơn thư cho biết: “Tại một gói thầu cung cấp phao áo cứu sinh vào năm 2013, HSMT của Tổng cục Dự trữ Nhà nước đưa ra các điều kiện bắt buộc nhà thầu phải có tài liệu chứng minh sự phù hợp (đáp ứng) của hàng hóa “… Phải kèm theo 2 m2 mẫu vải bọc ngoài và 1 m2 ruột xốp, có chữ ký và đóng dấu của đơn vị dự thầu và đơn vị kiểm tra thử nghiệm mẫu. Phiếu kiểm tra phải được người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ký tên, đóng dấu”.
Năm 2013, gói thầu mua phao áo cứu sinh của Tổng cục Dự trữ Nhà nước có nhiều quy định chặt chẽ đảm bảo chất lượng của hàng hóa
Bên cạnh đó, HSMT còn yêu cầu “Bản chính Giấy chứng nhận kiểu sản phẩm (hoặc sản phẩm mẫu) do Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, thử và cấp còn hiệu lực tối thiểu tính đến thời điểm đóng dấu kèm theo 01 chiếc phao áo cứu sinh mẫu có xác nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam (đóng dấu hoặc dán tem)”.
Đây là những điều kiện được ghi rất rõ tại mục 4.2.1.4 của QCVN 07: 2012/BTC (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phao áo cứu sinh dự trữ quốc gia) để bên mời thầu có thể đánh giá và kiểm soát được chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày từ khâu dự thầu, cũng như tính minh bạch của gói thầu khi được một cơ quan chuyên môn có tư cách pháp nhân độc lập đánh giá khách quan về kiểu cách sản phẩm.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà ở 3 gói thầu lần này, Tổng cục Dự trữ nhà nước lại “quên” không yêu cầu khắt khe, đảm bảo các điều kiện về chất lượng thầu như vậy?
Ở cả 03 gói thầu mua 301.200 pháo áo năm 2016, vai trò của Cục Đăng kiểm Việt Nam dường như bị bỏ qua?
Cụ thể, Tổng cục Dự trữ nhà nước chỉ yêu cầu nhà thầu phải nộp cùng hồ sơ dự thầu các tài liệu, như: Nhà thầu nộp đề xuất kỹ thuật đối với áo pháo cứu sinh cung cấp cho Tổng cục Dự trữ; Nhà thầu nêu rõ từng chỉ tiêu kỹ thuật của phao áo cứu sinh theo các yêu cầu tại Chương V của HSMT; Nhà thầu đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng; Nhà thầu cam kết về việc cung cấp các tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa theo yêu cầu tại Mục 5.3 Chương này.
Phải chăng, để chứng minh về tính hợp lệ của hàng hóa, nhà thầu chỉ cần cam kết trên giấy về việc cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) hoặc tài liệu có giá trị tương đương và Giấy chứng nhận chất lượng (CQ) hoặc tài liệu có giá trị tương đương đối với hàng hóa do nhà thầu chào để chứng minh?
Và dường như, vai trò kiểm định chất lượng hàng hóa của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định tại mục 4.2.1.4 của QCVN 07: 2012/BTC - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phao áo cứu sinh dự trữ quốc gia ban hành kèm theo Thông tư 131/2012/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính đang bị bỏ qua?
Ngoài ra, ngay trong cam kết của Công ty CP Dệt may Nam Việt sẽ phải thực hiện 3 gói thầu cung cấp phao áo cứu sinh trong thời hạn 130 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.
Với áp lực thời gian như vậy, mỗi ngày, doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải sản xuất trên 2.000 chiếu phao áo, đây là thách thức rất lớn đối với bất cứ doanh nghiệp nào tham gia cung cấp phao áo chuyên nghiệp trên thị trường. Liệu rằng, sản phẩm có thực sự đạt chất lượng?
Vụ trưởng bỗng nhiên chuyển hướng nội dung làm việc (!)
Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với ông Dương Đức Minh, Vụ trưởng vụ Quản lý hàng (Tổng cục Dự trữ nhà nước).
Trao đổi về nội dung đơn thư, ông Minh cho biết: Tổng cục Dự trữ nhà nước tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai (3 gói thầu), theo phương thức một giai đoạn, 2 túi hồ sơ (gồm: Hồ sơ đề xuất kỹ thuật và Hồ sơ đề xuất tài chính), theo quy định của Luật Đấu thầu.
“Việc đấu thầu phao áo cứu sinh năm 2016 thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật của kiểu phao áo số 02, được quy định tại Thông tư số 131/2012/TT-BTC ngày 13/8/2012 của Bộ Tài chính (QCVN 07: 2012/BTC)”, ông Minh khẳng định.
Trả lời về việc tại sao ở HSMT năm 2016, Tổng cục Dự trữ nhà nước lại bỏ đi những yêu cầu khắt khe liên quan đến sản phẩm thầu như trước đó vẫn làm, ông Minh cho rằng: Phao áo cứu sinh là mặt hàng được Bộ GTVT kiểm soát chặt chẽ, hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam được giao kiểm tra năng lực cơ sở sản xuất, thẩm định sản phẩm… Đơn vị dự thầu dùng sản phẩm nào để dự thầu thì sẽ kiểm tra giấy chứng nhận đủ điều kiện, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm đó theo hồ sơ yêu cầu.
Tiếp đó, trước câu hỏi "đối với lô sản phẩm mà đơn vị trúng thầu đã chào thầu, phía Tổng cục Dự trữ nhà nước đã có được giấy chứng nhận của Cục Đăng kiểm Việt Nam hay chưa?", ông Minh cho hay: Phía Tổng cục đang thực hiện hợp đồng, mới phê duyệt kết quả, tới giữa tháng 5 mới nhập hàng. Tại thời điểm này, chưa nhập hàng nên chưa có sản phẩm, giấy kiểm tra hàng phải gắn với sản phẩm…
“Trong hồ sơ mời thầu, phía Tổng cục không yêu cầu đơn vị dự phải nộp sản phẩm mẫu. Khi nào đơn vị trúng thầu giao hàng sẽ phải cung cấp giấy chứng nhận của Cục Đăng kiểm đối với sản phẩm”, ông Minh nói.
Như thế, chính ông Minh đã xác nhận rằng đơn vị trúng thấu chỉ phải chứng minh chất lượng của sản phẩm khi giao hàng.
Không dừng lại ở đó, ông Minh còn nói: “Tại sao phải có sản phẩm mẫu…?”.
Phải chăng, Tổng cục Dự trữ nhà nước chọn thầu theo kiểu “hên xui” khi mà chưa biết sản phẩm “mặt mũi ra sao, chất lượng thế nào” như thế nào?
Giả sử, trong trường hợp đến ngày giao hàng, sản phẩm không đạt chất lượng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi tiến độ các gói thầu bị chậm trễ, doanh nghiệp có chấp nhận chịu thiệt hại lớn? Tại sao, ngay từ đầu không đề cao việc kiểm soát chất lượng của sản phẩm mà phải đợi đến khi “gạo đã thành cơm”?
Thế nhưng, trong khi PV đặt câu hỏi nhằm làm sáng tỏ những nghi ngờ, thắc mắc của dư luận về 03 gói thầu trên thì bất ngờ ông Vụ trưởng Dương Đức Minh chuyển hướng sang một nội dung hoàn toàn khác (?!).
Cụ thể, đang trong quá trình làm việc thì bất ngờ ông Minh hỏi: PV có thẻ nhà báo hay không?
Mặc dù trước đó, khi đến liên hệ làm việc, PV đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục theo quy định của Luật báo chí. Trên thực tế, ông Minh đã chấp nhận và thực hiện buổi làm việc với đại diện một cơ quan báo chí và chỉ đến khi chưa có câu trả lời rõ ràng về một số nội dung trên thì ông Vụ trưởng mới bất ngờ “vặn vẹo” phóng viên?
Chưa hết, sau khi được giải thích về Luật Báo chí, ông Minh tiếp tục loanh quanh với các thắc mắc đến nhân sự tại cơ quan báo chí và "xin khất" những câu hỏi đang được bỏ ngỏ. Liệu rằng, với việc bất ngờ “chuyển hướng” buổi làm việc này, ông Minh nhằm mục đích gì?
Trở lại với nội dung đơn thư, dư luận cho rằng, Tổng cục Dữ trữ nhà nước đã “cố tình” tạo kẽ hở trong nguyên tắc quản lý hàng hóa dự trữ quốc gia, tạo điều kiện để doanh nghiệp (chưa biết năng lực tới đâu) tham gia gói thầu dẫn đến nguy cơ chất lượng hàng hóa được cung cấp có phẩm chất kém được đưa vào lưu trữ, sử dụng, có thể làm thất thoát tài sản nhà nước ở mức độ lớn.
Thế nhưng, những thắc mắc này vẫn chưa được Vụ trưởng Dương Đức Minh đưa ra câu trả lời hợp lý. Những nghi vấn xung quanh vụ "lùm xùm" này còn đó và chất lượng của những sản phẩm mà Công ty CP Dệt may Nam Việt sẽ cung cấp khi đã trúng thầu lần này - vẫn đang là điều lo ngại. Và việc đánh cược chất lượng gói thầu là một sự phiêu lưu quá mạo hiểm không đáng được chấp nhận của Tổng cụ Dự trữ nhà nước đối với người dân.
Để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, đã đến lúc, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra làm rõ những nghi vấn về kết quả mua 301.200 chiếc phao áo cứu sinh; đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể nếu để xảy ra sai phạm trong đấu thầu. Có như vậy, nguồn vốn ngân sách được sử dụng từ tiền thuế của người dân dành mua sắm phao áo cứu sinh mới được đảm bảo sử dụng đúng mục đích, mang ý nghĩa thiết thực.
Phan Chinh - Ngọc Linh