Tới dự buổi lễ, có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Là một trong những người sáng lập Mạng xã hội Phật giáo Butta, hoạ sỹ Nguyễn Thị Kim Đức luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Từ một doanh nhân yêu nghệ thuật, chị đã cống hiến nhiều việc làm có ích cho xã hội: tổ chức trồng hàng triệu cây xanh trên khắp cả nước, tổ chức Chương trình hòa nhạc và đấu giá tranh gây quỹ “Chung tay trồng rừng Việt Nam” tổ chức trồng hàng triệu cây xanh cho các tỉnh Miền trung bị cháy rừng từ Nghệ An tới Phú Yên.
Đặc biệt, thông điệp Bảo vệ môi trường được chị khắc hoạ trong bức tranh "Vỏ Tương Lai – Cover Of Future” từng gây ấn tượng mạnh được làm quà tặng cho các Nguyên Thủ và Chức sắc Tôn giáo trên thế giới trong dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK 2019 tại Việt Nam.
Với mong muốn lan toả tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, với tư cách là người Sáng lập Mạng xã hội Butta – mạng xã hội Phật giáo Việt Nam, hoạ sỹ Kim Đức đã cùng các cộng sự tái hiện bức tranh “Vỏ Tương Lai” trên vỏ lon nước tinh khiết Civie và logo Butta.
Nói về ý tưởng kết hợp này, chị chia sẻ “ Tôi mong muốn thông điệp bảo vệ môi trường cũng như những ý nghĩa xã hội của việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần được lan toả. Qua lon nước nhỏ bé, mọi người sẽ biết Butta nhiều hơn đồng thời thức tỉnh để bảo vệ chính cuộc sống của mỗi người”.
Được biết, Mạng xã hội Phật giáo Việt Nam đã cam kết hỗ trợ Civie trong việc quảng bá và ưu tiên đưa sản phẩm nước uống đóng lon Civie thân thiện với môi trường đến với các tăng ni, phật tử và các chùa, cũng như các cơ sở thờ tự khác trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Quan trọng hơn, từ việc hợp tác này, toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh sản phẩm nước uống đóng lon CIVIE sẽ đóng góp vào Quỹ Từ thiện do Butta trực tiếp quản lý và điều hành. Trước mắt, Quỹ sẽ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, các cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 thông qua hệ thống Siêu thị 0 đồng và Bếp ăn 0 đồng.
Hoạ sỹ Kim Đức tin tưởng rằng, với thông điệp Bảo vệ môi trường được tái hiện qua bức tranh “Vỏ Tương Lai” được in trên vỏ lon Civie, Mạng xã hội Butta sẽ thực hiện được sứ mệnh lan toả tình yêu thiên nhiên môi trường đến với mọi người. Việc sử dụng nước uống tinh khiết lon nhôm sẽ góp phần “chống rác thải nhựa” tiến tới giảm gánh nặng cho xã hội trong công tác xử lý môi trường.
Rác thải nhựa tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững cùa mỗi quốc gia.
Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam đã ban hành Công văn số 248/CV – HĐTS ngày 6/9/2019 gửi ban trị sự GHPG Việt Nam các tỉnh, thành phố, kêu gọi thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân huỷ, vì một Việt Nam xanh, vì Trái Đất xanh nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Phong trào của Bộ Tài nguyên và Môi trường về “chống rác thải nhựa”.
Thông qua đó, tuyên truyền cho tăng ni, phật tử và nhân dân tại địa phương hưởng ứng tích cực nhằm loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khoẻ con người.
Nhân dịp này, Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó chánh văn phòng Trung Ương Giáo hội, Phó tổng biên tập Mạng xã hội Phật giáo Butta phát biểu kêu gọi các tăng ni, phật tử hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân huỷ, sử dụng một lần như chai nhựa ngay hôm nay và ngay bây giờ vì một Việt Nam Xanh, vì Trái Đất Xanh.
Đại đức cho biết, việc hợp tác truyền thông, quảng bám, giới thiệu Mạng xã hội Butta thông qua sản phẩm lon nước tinh khiết Civie là cách làm mới, sáng tạo để Mạng xã hội uy tín này có thể tiếp cận đông đảo tới người tiêu dùng, qua đó cộng đồng phật tử biết tới và sử dụng, theo dõi mạng xã hội Butta nhiều hơn.
Mỗi năm, Công ty CP check in Việt Nam sản xuất hàng chục triệu lon nước tinh khiết, nước khoáng thiên nhiên với nguồn nước chất lượng, mang tới giải pháp nâng cao sức khoẻ người dùng và bảo vệ môi trường tự nhiên, qua đó cũng sẽ có hàng chục triệu người và du khách quốc tế biết đến Butta.
Đồng thời, qua đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng kêu gọi tăng ni, phật tử và nhân dân thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông tự phân huỷ thay thế các sản phẩm nhựa khó phân huỷ, sử dụng một lần như: ống hút nhựa, chai nước nhựa, hộp cơm, bát, đĩa, cốc, thìa nhựa… bằng việc sử dụng cốc thuỷ tinh, cốc sứ hoặc bình thuỷ tinh khi hội họp, tiếp khách.
Theo nội dung thoả thuận, Công ty CP Check in Việt Nam hợp tác với Mạng xã hội Phật giáo Butta phát triển thương hiệu nước uống CIVIE đóng lon (bao gồm nước tinh khiết và nước khoáng thiên nhiên) và thương hiệu BUTTA trên vỏ lon nhôm có tên logo Butta và hình ảnh bức tranh “Vỏ Tương Lai” của hoạ sỹ Nguyễn Thị Kim Đức – một trong số những người sáng lập Mạng xã hội Butta trên vỏ lon nhằm truyền thông, giới thiệu Butta với thông điệp Bảo vệ môi trường của bức tranh “Vỏ Tương Lai” tới mọi người.
Mạng xã hội Phật giáo Việt Nam là kênh Hoằng Pháp và truyền tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nâng cao giá trị Từ bi – trí tuệ của Đạo Phật. Đây là địa chi truyền tải giáo lý Phật pháp đến với mọi người, giúp con người hướng thiện, hướng thượng.
Đại diện Công ty CP Check in Việt Nam cho biết:
"CIVIE luôn cam kết mang đến một giải pháp nước uống tốt cho sức khoẻ cộng đồng, bao gồm nước tinh khiết và nước khoáng thiên nhiên. Với hệ thống Nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP và khởi nguồn từ định hướng “Nói không với nhựa sử dụng một lần”, nước uống đóng lon Civie tốt cho sức khoẻ, thân thiện với môi trường. Công ty đã ký kết hợp tác với BALL, tập đoàn hàng đầu thế giới về lon nhôm đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế".
Lý giải vì sao lon nhôm lại là giải pháp xanh thay thế chai nhựa, ông Lương Thế Anh, Tổng giám đốc công ty CP Check in Việt Nam cho biết thêm:
“Với 75% lượng nhôm từng được sản xuất từ năm 1886 trên thế giới và Việt Nam đến nay vẫn đang được sử dụng hàng ngày. Vỏ lon nhôm luôn được tái chế không giới hạn mà không bị giảm chất lượng. Sản xuất vỏ lon nhôm tái chế tiết kiệm tài nguyên và giảm 95% năng lượng cần thiết so với nhóm nguyên sinh.
Lon nhôm đã sử dụng có thể tái chế thành lon nhôm mới trong vòng 60 ngày, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2020".
Trúc Mai