Ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành Công ty Recof Nhật Bản nhận định, làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) thứ hai của Việt Nam sẽ được hậu thuẫn chính bởi quá trình CPH DNNN. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về vấn đề CPH DNNN đang diễn ra chậm hơn dự kiến…

M&A sẽ là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy CPH DNNN

Thuận lợi và khó khăn đan xen

Ông Phan Thanh Bình, Trưởng Bộ phận Tư vấn M&A của KPMG Limited cho rằng, việc CPH DNNN, nhìn từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, vẫn còn rất phức tạp, bao gồm từ việc định giá, xử lý các vấn đề tồn đọng về đất đai, lao động, sử dụng nguồn vốn... Thêm vào đó, việc Nhà nước sẽ vẫn nắm giữ cổ phần chi phối và thông thường chỉ bán tối đa 20 - 30% cổ phần trong các công ty lớn có thể chưa làm hài lòng các nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông chiến lược, những người thường muốn có cơ hội tham gia điều hành và kiểm soát DN sau khi đầu tư một cách sâu rộng hơn.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì các ngành nghề kinh doanh trong nước có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Khi tái cơ cấu một bộ phận của nền kinh tế, các bộ phận khác sẽ bị ảnh hưởng.

“Với những gì đang diễn ra, tôi nghĩ, Chính phủ đang cố tiến hành tái cơ cấu toàn diện, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải cân đối nhiều nhu cầu khác nhau ở nhiều ngành khác nhau. Việc cải cách tốn kém thế nào, chi phí lấy ở đâu, có ngân sách để làm không, thu thêm loại thuế gì để bù vào… là những câu hỏi đang khiến nhiều người băn khoăn”, ông Bình chia sẻ.

Ông Masataka Yoshida, nhà đầu tư nước ngoài lại cho rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản coi Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng nhất trong khu vực ASEAN, đặc biệt trên lĩnh vực mua bán & sáp nhập. Trong đó, các DNNN có thị phần lớn tại thị trường nội địa cũng như có vị trí quan trọng trong các ngành tại thị trường nội địa - sẽ là những DN thu hút sự quan tâm lớn nhất từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, theo ông Masataka Yoshida, họ gặp phải một số khó khăn trong việc tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Không CPH DNNN bằng mọi giá

Đánh giá về quyết tâm CPH DNNN của Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Khối dịch vụ Ngân hàng đầu tư VPBS băn khoăn: “Quyết tâm CPH của Chính phủ là rất lớn, nhưng để hoàn thành mục tiêu CPH 432 DNNN trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2015 thì phải có sự chuyển biến rất lớn về tư tưởng và thực chất quản lý điều hành DN. Trong đó, có cơ cấu sở hữu, quản lý điều hành, quyền lợi của hệ thống quản lý. Khi áp lực về mặt cân đối ngân sách gặp khó khăn, hy vọng quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh CPH để gia tăng nguồn thu ngân sách sẽ thúc đẩy CPH nhanh hơn”.

Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng Khoán Bản Việt cho rằng, có rất nhiều lý do khiến việc CPH DNNN trong 2 năm qua bị chậm. Chẳng hạn như, Chính phủ cho phép DNNN được trích lập dự phòng và bán các khoản đầu tư tài chính dưới mệnh giá, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

“Thời gian qua, do kinh tế khủng hoảng nên DN nợ rất nhiều, quá trình xử lý nợ chắc chắn còn kéo dài. DN sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn do việc xác định các khoản nợ dở dang, khoản nào có thể thanh toán được và để làm được thì cần thời gian. Việc xử lý tài chính của các DNNN vì thế chưa có lối thoát” ông Bảo dẫn chứng.

Ông Vũ Xuân Thuyên, Phụ trách Phòng Đầu tư và Quản trị DN, Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, quyết tâm của Chính phủ là sẽ đẩy nhanh CPH và điều này đã thể hiện ở việc hoàn thiện các quy định pháp lý. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ không CPH DNNN bằng mọi giá, mà đặt mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của DN.

“Có thể, việc CPH toàn bộ 432 DNNN chưa hoàn thành trong năm 2015, nhưng những công việc định giá, xử lý tài chính sẽ được tiến hành với toàn bộ DN. Mục tiêu của Chính phủ là chuyển DNNN sang hoạt động theo Luật DN, vì thế, các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), DNNN có thể bán không được nhiều. Song với khả năng phát triển như một hình thức đầu tư và kênh tham gia của nhà đầu tư lớn, M&A sẽ là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy CPH DNNN”, ông Thuyên nói.

Kiều Tuyết