Số cử nhân thất nghiệp được thống kê năm 2013 lên tới 72.000 người, thế nhưng mùa tuyển sinh năm 2014, số lượng thí sinh đăng ký vào các nhóm ngành dư thừa nhân lực vẫn cứ tăng vọt. Nguyên nhân trực tiếp được nhắc tới vẫn là: Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và định hướng tuyển sinh chưa đạt hiệu quả. Làm sao khắc phục tình trạng này?

Nhắm mắt học liều?

Từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành kinh tế, quản trị… thế nhưng mùa tuyển sinh năm 2014, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế vẫn rất đông. Cụ thể, tại Hà Nội, Học viện Tài chính có 4.700 hồ sơ; Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân có 4.900 hồ sơ; Học viện Ngân hàng cũng có 4.900 hồ sơ và ĐH Thương mại có 3.800 hồ sơ… Ở các trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, tỷ lệ chọi vẫn “ngất ngưởng”.

Tương tự, tại Thanh Hóa, số lượng hồ sơ đăng ký vào nhóm ngành tài chính ngân hàng vẫn chưa giảm. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: “Cả tỉnh có 48.900 hồ sơ, trong đó một số trường đào tạo về kinh tế vẫn “hút” thí sinh. Đơn cử, Học viện Tài chính năm trước đứng thứ 26 thì năm nay vượt lên vị trí thứ năm, với 1.599 hồ sơ; ĐH Kinh tế Quốc dân cũng vươn lên vị trí thứ tám với 1.078 hồ sơ; ĐH Thương mại có 1.064 hồ sơ.

Tại TP Hồ Chí Minh cũng vậy, khối các trường kinh tế - tài chính – ngân hàng lượng hồ sơ vẫn cao hơn năm 2013: ĐH Tài chính – Marketing nhận được 23.298 hồ sơ/3.900 chỉ tiêu, tăng hơn năm ngoái 2.500 hồ sơ. Trường ĐH Kinh tế tuyển 4.00 chỉ tiêu nhưng tổng số hồ sơ nhận được là 14.201, tăng hơn 2.500 hồ sơ so năm ngoái. Trường ĐH Ngân hàng có hồ sơ tăng vọt tới 13.739/2.950 chỉ tiêu, trong khi năm 2013 chỉ nhận được 2.000 hồ sơ.

Cả nước hiện có gần 1.856 cơ sở đào tạo ngành kế toán, tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh. Số sinh viên (SV) đang theo học những ngành này chiếm tới hơn 30% tổng số SV trên cả nước. Thế nhưng, nghiên cứu của Viện Nhân lực Ngân hàng – Tài chính chỉ rõ số SV ngành tài chính – ngân hàng không xin được việc trong bốn năm tới là khoảng 13.000 người. Trong năm 2014, dự báo khoảng 40% số SV tốt nghiệp ngành này sẽ phải làm trái ngành hoặc thất nghiệp.

Thông tin thiếu

Vẫn biết năm nào các trường THPT cũng “làm hướng nghiệp”, nhưng thông tin về nhu cầu nhân lực các ngành nghề cấp quốc gia và địa phương năm 2014 vẫn… chưa về đến trường.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận, dù có sự tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng, thí sinh Hà Nội vẫn chuộng các ngành kinh tế, bởi cho rằng dễ kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng cho rằng số thí sinh đăng ký vào học các ngành đã cảnh báo dư thừa vẫn tăng vọt trong năm nay là do chúng ta còn khoảng trống trong thông tin định hướng nghề nghiệp. Nhận định về thực trạng phân luồng hiện nay, PGS, TS Đỗ Thị Bích Loan, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, thông tin về thị trường lao động ở nước ta còn nghèo nàn và thiếu nên gia đình và học sinh không đủ thông tin để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Thực tế cho thấy, các trường THPT chưa có đội ngũ làm hướng nghiệp chuyên nghiệp. Đến mùa tuyển sinh, các cơ sở đào tạo thường đến các trường THPt hướng nghiệp theo kiểu “tiếp thị”, phổ biến là tô hồng, chủ quan và vụ lợi. Theo đó, chuyên gia tuyển sinh ĐH chỉ nhấn mạnh mặt tích cực, cái hay của ngành nghề mà lờ đi những yêu cầu khắt khe của từng ngành, nghề khi tìm việc… SV vì thế bất chấp cảnh báo, vẫn ảo tưởng theo ngành học có “tương lai dễ chịu” như tài chính, kế toán, ngân hàng, y – dược, ngoại giao…

Mùa tuyển sinh năm 2014, nhìn vào những “dự báo đón đầu” nguồn nhân lực qua chuyện hướng nghiệp đã thấy đầy mâu thuẫn. Trong khi Bộ GD&ĐT cho biết: Nhân lực khối ngành kinh tế đang bão hòa, học ngành kinh tế sẽ không có việc làm thì chuyên gia hướng nghiệp khẳng định nhân lực khối ngành kinh tế không dư thừa mà chỉ dư thừa nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu. Riêng nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu vẫn thiếu(!)… dẫn đến tình trạng cả giáo viên và phụ huynh đều rối loạn với hướng nghiệp.

Dự báo kém

Sau khi có Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhiều cơ quan và địa phương đã thành lập các đơn vị chuyên về công tác này. Bộ GD&ĐT có Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Kế hoạch & Đầu tư thành lập Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) có Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực quốc gia. Viện Khoa học giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT có Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo. TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Thông tin và Dự báo thị trường lao động… Tuy vậy, hiệu quả trong việc dự báo nguồn nhân lực của các kênh nói trên chưa rõ nét.

PGS, TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay, ngành GD&ĐT chưa có điều kiện để khảo sát tổng thể trên phạm vi cả nước để biết ngành nào thừa, ngành nào thiếu nhằm định hướng cho các trường đào tạo.

Về phía Bộ LĐ-TB&XH, hoạt động của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực quốc gia được đánh giá là chưa đủ mạnh và chưa tạo ra các dữ liệu thông tin mang tính khoa học, tổng thể về thị trường lao động cũng như dự báo về xu hướng, nhu cầu đào tạo nhân lực sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, đặc biệt là xu hướng thay đổi ngành nghề, cơ cấu lao động trong quá trình biến động của thị trường lao động, những tác động của nền kinh tế thị trường thời toàn cầu hóa để các cơ sở đào tạo điều chỉnh, đón đầu nhu cầu nhân lực.

Bên cạnh đó, mặc dù địa phương nào cũng có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nguồn nhân lực nhưng lâu nay các cơ sở đào tạo đóng ở địa phương, kể cả những thành phố lớn đều chủ yếu đào tạo theo chỉ tiêu phê duyệt của Bộ GD&ĐT. Vì thế, nhiều ngành nghề đào tạo ra dư thừa, trong khi địa phương lại thiếu nguồn lao động đã qua đào tạo nghề. Thậm chí, như TP Hồ Chí Minh là nơi có rất nhiều trường ĐH-CĐ đào tạo ngành sư phạm nhưng thành phố luôn đối mặt với thực trạng thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, chuyên viên tâm lý học đường…

Do thiếu thông tin dự báo chính xác về cơ cấu ngành nghề, nhu cầu thị trường lao động nên cứ đến mùa tuyển sinh, không ít trường CĐ, ĐH và TCCN bị động, thậm chí mất ăn, mất ngủ vì nỗi lo đầu tư vào ngành nào, hướng nào phù hợp. Điều mà các trường cần là sớm có một kênh thông tin chính thống cung cấp thông tin về thị trường lao động, định hướng đào tạo ngành nghề sát với nhu cầu xã hội để tư vấn cho học sinh phổ thông. Việc định hướng nghề nghiệp sai sẽ gây ra nhiều lãng phí cho người học lẫn xã hội, tạo thêm áp lực thất nghiệp ở giới trẻ.

Theo các chuyên gia, công tác dự báo đào tạo ngành nghề phải được thiết kế từ xa dựa theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với chu kỳ 5 -10 năm của từng địa phương hay của quốc gia. Từ những thông tin mang tính tổng thể đến các dự án đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, các dòng vốn đầu tư T.Ư, địa phương, các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao… cần thu hút bao nhiêu lao động, trình độ, tay nghề như thế nào, các trường sẽ có kế hoạch để đào tạo nhân lực đón đầu.

Thực tế nêu trên cho thấy, công tác dự báo thông tin quốc gia về phát triển nguồn nhân lực phải được đầu tư bài bản và nó phải trở thành kênh thông tin đáng tin cậy để người học định hướng tương lai khi chọn nghề. Các cơ sở đào tạo cũng dựa vào đó để đưa ra chỉ tiêu đào tạo sát với nhu cầu của xã hội. Để đưa ra dự báo chính xác, cần có khảo sát điều tra quy mô, tạo nguồn dự liệu mang tính khoa học, phản ứng đúng cung – cầu thị trường lao động, xu hướng tuyển dụng cũng như những biến động về ngành nghề, việc làm trong tương lai, xu thế thay đổi ngành nghề toàn cầu.

Theo Thời Nay