Mua xe trả góp & nỗi lo… - Hình 1

Người tham gia giao thông gặp khó khi ngân hàng giữ giấy đăng kí gốc

Anh Thành Luân (Nam Định), chia sẻ: “Tôi đang vay tín chấp ngân hàng hơn 200 triệu đồng để mua một chiếc xe Huyndai. Vừa rồi, dư luận xôn xao việc CSGT giờ được phạt vi phạm hành chính với tất cả phương tiện ko có bản chính đăng ký xe, điều này khiến tôi thực sự lo lắng bởi phía ngân hàng chắc chắn không giao bản chính xe cho tôi …”

Sau nhiều phản ánh của người tham gia giao thông và đề nghị hướng dẫn của Công an các địa phương, Cục CSGT (Bộ Công an) vừa có văn bản số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 khẳng định việc xử phạt như trên là hoàn toàn chính xác. Theo nội dung văn bản này: “Đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)”.

Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định rõ về “giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” của bản sao từ giấy tờ gốc. Với quy định này, thì bản sao chỉ có giá trị sử dụng trong các giao dịch dân sự, còn với trường hợp xử lý vi phạm luật giao thông thì bản sao giấy tờ xe hoàn toàn không có giá trị sử dụng. Do vậy, CSGT hoàn toàn có căn cứ để xử phạt các trường hợp phương tiện lưu thông không có giấy tờ xe bản chính.

Luật sư Nguyễn Đức Trang – Công ty TNHH Luật Hồng Việt cho rằng, đối với trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông bị CSGT xử phạt khi không xuất trình đăng ký phương tiện giao thông bản gốc (do ngân hàng giữ khi thế chấp xe) mà chỉ xuất trình bản sao có xác nhận của ngân hàng, có 2 vấn đề cần quan tâm.

Một là, theo quy định tại điều 58 Luật giao thông đường bộ thì một trong các loại giấy tờ mà người điều khiển phương tiện giao thông phải mang theo giấy đăng ký bản gốc.

Hai là, theo quy định tại điểm 9 Điều 1 Nghị định 11/1012/NĐ – CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ – CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm thì: “Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông được quy định tại Điều 7a, Nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”.

Tiếp đó, công văn số 3851/NHNN – PC ngày 24/5/2017 của NHNN gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng đã khẳng định bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông. Như vậy, ngân hàng giữ giấy đăng ký phương tiện giao thông là không đúng với Nghị định 163/2006/NĐ – CP.

Do đó, việc CSGT xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông không mang giấy đăng ký phương tiện giao thông bản gốc là đúng với Nghị định 171/2013/NĐ – CP và hướng dẫn tại công văn 2916/C67 – P9 ngày 31/5/2017 của Cục CSGT.

Tuy nhiên, LS.Trang cũng cho rằng quy định như vậy sẽ rất rủi do cho ngân hàng vì tài sản thế chấp là phương tiện di chuyển khắp nơi trên cả nước nên không dễ theo dõi, quản lý và vô hình chung sẽ làm cho các ngân hàng hạn chế tối đa việc nhận thế chấp xe ô tô, dẫn đến khó khăn cho loại hình cho vay này đang phổ biến hiện nay, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ngân hàng và chức năng trung gian tài chính của hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, khoản 1, Điều 320 Bộ luật dân sự 2015, quy định về Nghĩa vụ của bên thế chấp “Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”, trong khi đó Nghị định 163/2006/NĐ – CP là một văn bản dưới luật. Do vậy, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 163/NĐ – CP để cho phép ngân hàng được giữ bản gốc giấy đăng ký phương tiện giao thông như Nghị định 178/2000/NĐ – CP để phù hợp với khoản 1 điều 320 Bộ luật dân sự 2015.

Phan Chinh