Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, đồng thời giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng giá trị bán lẻ trực tuyến tại khu vực ASEAN. Trong 4 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.400 tỷ USD vào năm 2025.

Theo thống kê của Amazon Global Selling, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng vọt gần gấp 10 lần.

Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...

Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử đạt 35 tỷ USD, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và 50% thanh toán không dùng tiền mặt.

Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua hệ thống thương mại điện tử xuyên biên giới” được tổ chức tại TP. HCM, lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương) nêu rõ, dưới sự dẫn dắt và phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tuw, chúng ta đang chứng kiến một xã hội năng động, một thế giới luôn vận hành, cải tiến và đổi mới. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng thần tốc, là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tệp khách hàng...

Nhằm quản lý chặt chẽ và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong môi trường thương mại điện tử, hiện nay, Bộ Công Thương đã triển khai dịch vụ công mức độ 4 để quản lý doanh nghiệp thương mại điện tử tại Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử quốc gia địa chỉ online.gov.vn.

Ngoài ra, nhằm thúc đẩy tăng cường giám sát thực thi pháp luật của các doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam, Nhà nước đã tập trung vào bốn nhóm vai trò chính.

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện các văn bản, chính sách về thương mại điện tử nhằm tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số.

Thứ hai, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh trực tuyến, xử lý các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của thị trường thương mại điện tử.

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử. Thông qua việc tham gia các tổ chức quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác, Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ tư, triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, các nền tảng công nghệ số, hỗ trợ các tổ chức doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhanh chóng, bền vững.

Kim Khánh (t/h)