Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraine, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Do đó, tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/03, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã tiếp tục điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON92 tăng 2.098 đồng, lên mức tối đa là 28.985 đồng, xăng RON95 tăng 2.990 đồng, lên mức 29.824 đồng. Cùng với đó, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Như vậy, đây là lần tăng giá thứ 7 liên tiếp của mặt hàng này tính từ giữa tháng 12/2021 và là mức tăng mạnh nhất trong lịch sử.

Ảnh minh họa internet
Mục tiêu kiểm soát lạm phát có bị lung lay mạnh khi giá xăng dầu tăng kỷ lục? Ảnh minh họa internet.

Giá xăng dầu tăng mạnh liên tiếp đã kéo theo giá các mặt hàng có đầu vào là xăng dầu tăng theo và nguy cơ lạm phát đang hiện hữu. Ông Nguyễn Bá Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc tăng giá xăng dầu rõ ràng là một yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bởi xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực vận tải. Do vậy, giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng.

Dự báo về lạm phát trong quý I/2022, ông Nguyễn Bá Khang khẳng định, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và một số mặt hàng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 để kích cầu trong bối cảnh hiện nay đã góp phần vào bình ổn giá và kiềm chế lạm phát tăng ở một số ngành. Tuy nhiên, vì giá dầu tăng quá nhanh nên đã che lấp những tác động tích cực của gói hỗ trợ giảm thuế GTGT cho một số mặt hàng dịch vụ, giá dầu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng lạm phát trong 02 tháng đầu năm.

“Lạm phát bình quân trong quý I/2022 so với năm 2021 có thể tăng trong khoảng 2%- 2,2%. Diễn biến này cũng nằm trong xu thế dài hạn của lạm phát bởi vì về cơ bản lạm phát lõi vẫn đang ở mức thấp, nhờ đó đã tạo nên nhân tố hết sức tích cực để bù đắp lại phần tăng đột biến của giá xăng dầu trong thời gian sắp tới”, ông Khang nói.

Theo ông Khang, trong bối cảnh áp lực đang tăng, cùng với việc bắt đầu đưa gói phục hồi kinh tế với quy mô lớn vào đời sống chắc chắn sẽ thúc đẩy tổng cầu lớn tạo yếu tố gây áp lực lên lạm phát.

“Tuy nhiên, áp lực này sẽ chậm hơn 1 chút do độ trễ của chính sách và theo quan sát của chúng tôi chu kỳ lạm phát này sẽ khác với các chu kỳ lạm phát trước ở các yếu tố tất cả các chu kỳ lạm phát trước là do tổng cầu gia tăng quá nhanh, cao hơn sản lượng tiềm năng của nền kinh tế, sự chênh lệch sản lượng đấy là yếu tố gây ra áp lực lạm phát. Còn lạm phát lần này được gây ra bởi yếu tố thiếu hụt cung hàng hóa cơ bản để phục vụ cho sản xuất. Lạm phát sẽ tăng nhưng không quá cao”, ông Khang nhận định.

Q.N (t/h)