"Khoác áo" - đặt tên cho kem trộn?
Hiện nay, thị trường Mỹ phẩm được coi là miếng bánh béo bở, bởi nhu cầu có được một làn da, thân hình đẹp luôn là ước mơ của rất nhiều người. Chính vì vậy, nhiều người đã bất chấp thủ đoạn, sản xuất, điều chế ra những sản phẩm giúp làm trắng da, trị mụn kém chất lượng, có chứa chất cấm để trục lợi.
Nếu như những sản phẩm kem trộn đang bày bán công khai trên thị trường không có nhãn mác hoặc nhãn mác sơ sài, thì mỹ phẩm trị mụn mang thương hiệu TRAAM lại được đầu tư nhãn mác bài bản, bắt mắt với công dụng, cách dùng, nhưng tuyệt nhiên không có thành phần và nhất là không có nơi sản xuất. Trên bao bì sản phẩm, chỉ thể hiện nhà phân phối là Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Đào tạo nghề Trâm Nguyễn.
Trong vai mẹ bỉm sữa có nhu cầu kinh doanh online dòng sản phẩm trị mụn TRAAM, PV liên hệ face book Trâm Nguyễn, chủ sở hữu chuỗi sản phẩm trị mụn mang thương hiệu TRAAM và được chủ cơ sở tư vấn nhiệt tình, với hình thức dựa vào hiệu quả trải nghiệm của bản thân để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Theo chủ cơ sở thì đây là cách tốt nhất để tiếp cận khách hàng. Bán hàng dựa vào niềm tin và sự trải nghiệm…
Nhưng khi được hỏi thành phần sản phẩm bao gồm những gì, thì người này cho biết hoàn toàn là sản phẩm thiên nhiên. Đồng thời, cũng gửi giấy công bố sản phẩm để tạo lòng tin với khách hàng.
Chủ sở hữu với hình thức dựa vào hiệu quả trải nghiệm của bản thân để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng
Tuy nhiên, khi tìm hiểu về Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Đào Tạo nghề Trâm Nguyễn thì được biết, đơn vị này có trụ sở theo giấy đăng ký kinh doanh là tại 24 B, đường Đinh Tiên Hoàng, Khu phố 5, phường Long Thuỷ, thị xã Phước Long (Bình Phước) và người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Lệ Trâm, có Giấy phép kinh doanh số 3801163322.
Nhưng đây chỉ là địa chỉ ảo theo giấy đăng ký kinh doanh, thực chất hoàn toàn không có công ty nào dưới tên gọi Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Đào Tạo nghề Trâm Nguyễn tại Bình Phước (?!).
Một điều lạ lùng nữa là công ty có địa chỉ tại Bình Phước, nhưng giấy công bố sản phẩm lại do Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, Huỳnh Minh Phúc cấp và địa điểm kinh doanh lại ở quận 2, TP. HCM?
Sự im lặng của phía cơ quan chức năng?
Kinh doanh mỹ phẩm giả mạo, kém chất lượng đang là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 17/CT-TTg về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và an ninh trật tự...
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức, thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế, chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế vế sự hiểu biết của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên.
Đây là tình trạng đáng báo động, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại đến sản xuất, kinh doanh.
Để kịp thời khắc phục tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này.
Giấy công bố sản phẩm, do Sở Y tế Long An cấp dù đơn vị đăng ký công bố sản phẩm tận Bình Phước?
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là vậy. Nhưng trên thực tế, khi Báo TH&CL gửi công văn đặt lịch phỏng vấn, cung cấp thông tin đối với Sở Y tế tỉnh Long An, đơn vị ký giấy Công bố sản phẩm mỹ phẩm và Sở Y tế TP. HCM - nơi các sản phẩm mỹ phẩm trị mụn mang thương hiệu TRAAM được bày bán công khai, thì đều nhận được sự im lặng từ 2 đơn vị này?
Còn theo Công văn số 1285/SYT-TTra phúc đáp của Sở Y tế Bình Phước: Sau khi tiến hành thanh tra theo phản ánh của VP đại diện tại TP. HCM của Báo TH&CL, đã lập đoàn thanh tra phối hợp với công an phường Long thủy, thị xã Phước Long (Bình Phước) để kiểm tra xác minh, tại thời điểm kiểm tra xác minh, Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Đào tạo nghề Trâm Nguyễn, không còn hoạt động (thực tế, địa chỉ trên hiện là quán cà phê Kinh Hose coffee)?
Công văn phúc đáp của Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Phước
Rõ ràng, có sự mập mờ về thông tin của dòng sản phẩm mỹ phẩm trị mang thương hiệu TRAAM, khi nhà phân phối không có thông tin rõ ràng, không có thành phần và nơi sản xuất.
Phải chăng, đây là cách các sản phẩm kem trộn trôi nổi đội lốt mỹ phẩm thiên nhiên, đánh lừa người tiêu dùng?
Vì sao, Sở Y tế Long An lại cấp giấy công bố sản phẩm khi mà Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Đào tạo nghề Trâm Nguyễn, không có trụ sở tại Long An?...
TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Hải Dương