Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030. Do vậy, để tạo đà tăng trưởng chúng ta cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu; Khai thác, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Đưa ra nhóm giải pháp củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư. Cần quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng…

Để khai thác các động lực tăng trưởng mới, việc đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế cho xây dựng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo... là rất cần thiết. Cùng với đó, phải lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh.

Để tạo đà tăng trưởng năm 2024 cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng
Để tạo đà tăng trưởng năm 2024 cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng.

"Với các động lực tăng trưởng mới cần có cái khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn. Chúng ta muốn phát triển khoa học công nghệ, muốn thử cái mới, muốn phát triển mô hình kinh doanh mới nó phải có cơ chế thử nghiệm để chúng ta làm. Do đó tôi mong rằng, năm nay chúng ta làm cái này ở mức độ tốt lên.

Thứ hai, chúng ta phải tăng năng suất lao động và tăng trưởng xanh- đặc biệt liên quan đến câu chuyện về Net zero, về mặt định hướng chiến lược hiện tốt; nhưng vấn đề về đề án, chương trình và giải pháp cụ thể thì cần phải thúc đẩy hơn trong thời gian tới", theo chuyên gia Cấn Văn Lực.

Tương tự, bà Minh Đặng, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital cho rằng, năm 2024 Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội hơn là thách thức. "Đối với ngành sản xuất, năm 2023 Việt Nam có 1 năm rất khó khăn. Tuy nhiên, đây là do vấn đề trên toàn thế giới phải trải qua một chu kỳ là giảm hàng tồn kho. Hiện nay chúng tôi theo dõi về chỉ số hàng tồn kho của các nhà sản xuất ở Châu Âu, Châu Mỹ và chỉ số hàng tồn kho của các nhà ở bán lẻ các khu vực trên thế giới, thì mức hàng tồn kho này đã về mức bền vững. Do đó có thể kỳ vọng đáy của nền sản xuất của Việt Nam cũng đã qua. Và năm 2024 sẽ là năm phục hồi kinh tế", bà Minh Đặng nói.

Minh An (t/h)