Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5% theo Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2025 dự kiến tăng trên 8% so với số thực hiện năm 2024.

Ước tính, sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2025 sẽ tăng trên 8% so với mức thực hiện năm 2024 (Ảnh minh họa)
Ước tính, sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2025 sẽ tăng trên 8% so với mức thực hiện năm 2024. (Ảnh minh họa)

“Tổng nguồn xăng dầu phân giao tối thiểu năm 2025 khoảng 29,5 triệu m3/tấn (tương đương 2,5 triệu m3/tấn/tháng, 7,4triệu m3/tấn/Quý)”, theo Vụ Thị trường trong nước.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho năm 2025, Bộ Công thương triển khai loạt giải pháp, chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và đăng ký kế hoạch thực hiện theo từng quý.

Đồng thời, theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối; phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương các tỉnh, thành phố điều tiết, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn, trường hợp cần thiết điều chuyển tổng nguồn tối thiểu từ các thương nhân không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện cho các thương nhân đầu mối khác nhằm đảm bảo cung cầu trên thị trường.

Năm 2025, Bộ Công thương sẽ tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ ban hành. Song song, Bộ sẽ rà soát để xây dựng ban hành hoặc sửa đổi các thông tư hướng dẫn Nghị định về kinh doanh xăng dầu có liên quan để tổ chức thực hiện.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương về các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; Chủ động sản xuất, nhập khẩu bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.

Tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân sẽ được ngành chức năng giám sát chặt chẽ, việc này nhằm đảm bảo cân đối đủ nguồn xăng dầu phục vụ nền kinh tế trong bối cảnh thuận lợi. Tuy nhiên, tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó đoán định, có thể tác động đến nguồn cung xăng dầu, Bộ Công thương sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình để tham mưu cho Chính phủ có các giải pháp kịp thời.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho năm 2025, Bộ Công thương triển khai loạt giải pháp, chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và đăng ký kế hoạch thực hiện theo từng quý.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu năm 2025, Bộ Công thương triển khai loạt giải pháp, chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và đăng ký kế hoạch thực hiện theo từng quý. (Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 15/12/2024, Bộ Công thương đã phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2025 cho các thương nhân đầu mối xăng dầu để thực hiện. Bộ Công thương yêu cầu các thương nhân tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.

Năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn xăng dầu năm 2024 được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được Bộ Công thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện là 28,43 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, xăng dầu mặt đất bao gồm xăng, diesel, dầu mazut, dầu hỏa: 27,45 triệu m3/tấn; nhiên liệu hàng không bao gồm Jet A1, xăng tàu bay: 980.039 m3.

PV (t/h)