Thiết bị giám sát hành trình phát huy hiệu quả
Con tàu đánh bắt xa bờ dài hơn 20m của gia đình chị Ngô Thị Thủy (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được hơn 3 năm nay. Tổng kinh phí lắp đặt khoảng 25 triệu đồng, trong đó cơ quan chức năng hỗ trợ 10 triệu đồng.
Sau 1 thời gian hoạt động, chị Thủy nhận thấy thiết bị mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, thiết bị giúp tàu xác định được vị trí đang đánh bắt, tránh khai thác vượt biên và chủ động hơn trong phòng tránh thiên tai và được hỗ trợ kịp thời khi gặp sự cố trên biển.
Bên cạnh đó, thiết bị trở thành kênh thông tin liên lạc ổn định giữa các thành viên trên tàu với người thân trong đất liền.
“Hiện nay, chi phí dịch vụ thuê bao duy trì hoạt động của thiết bị khoảng 250.000 đồng/thiết bị/tháng. Trường hợp mình dùng nhiều thì cước phí sẽ tăng lên”, chị Thủy chia sẻ.
Được sự giúp đỡ của Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Nam Định, gia đình chị Thủy đã đăng ký và được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định.
Sau nhiều năm làm thuê cho các chủ tàu, gia đình ông Vũ Viết Hướng (xã Hải Xuân, huyện Hậu) cũng tích lũy được ít vốn để mua lại con tàu gỗ mang biển kiểm soát ND.92012.TS, công suất hơn 250CV, dài gần 17m của một chủ tàu khác. Hiện con tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
“Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã lên gặp chính quyền, các đơn vị liên quan để đăng ký cấp phép sử dụng hoạt động tần số vô tuyến điện”, ông Hướng tâm sự.
Theo ông Hướng, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đăng ký hoạt động tần số vô tuyến điện mang lại nhiều lợi ích cho chủ tàu như thiết bị giám sát hành trình sẽ nhắc nhở cho ngư dân vị trí, vùng biển khai thác và tình hình thời tiết trên các vùng biển.
Bà Nguyễn Thị Thủy, đại diện Công ty Cổ phần thiết bị điện, điện tử Bách Khoa chia sẻ, từ năm 2020, Công ty bắt đầu phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện khai thác thủy hải sản, đồng thời làm hợp đồng dịch vụ sử dụng tần số vô tuyến điện với các chủ tàu.
Qua thống kê, đến nay Công ty đã lắp đặt hơn 100 thiết bị giám sát hành trình cho trên 100 tàu cá ở Nam Định thuộc diện phải lắp thiết bị.
Tuyên tuyền, vận động chủ tàu đăng ký sử dụng tần số vô tuyến điện
Lãnh đạo Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Nam Định cho biết, có 2 loại thiết bị cần phải có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đó là các thiết bị thông tin liên lạc sóng ngắn (bộ đàm) và thiết bị giám sát hành trình.
Theo quy định của Ủy ban Châu Âu (EC) và đã được quy định trong Luật Thủy sản, thì các tàu đánh bắt xa bờ, dài trên 15m phải được lắp thiết bị giám sát hành trình khi ra khơi.
Do đó, thời gian qua, ngành thông tin tỉnh Nam Định đã phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan hỗ trợ, thu hồ sơ làm thủ tục cấp phép tần số vô tuyến điện cho các chủ tàu trên địa bàn tỉnh.
“Những năm qua, Sở đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5, một số nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho thiết bị giám sát hành trình về trực tiếp tại 3 huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu tổ chức tuyên truyền các quy định liên quan đến việc sử dụng các thiết bị thông tin vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá có chiều dài tàu từ 15m trở lên và hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho bà con ngư dân”, lãnh đạo Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Nam Định cho hay.
Đến nay, Đoàn công tác đã làm thủ tục đề nghị cấp phép tần số vô tuyến điện cho hàng trăm tàu cá có lắp thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Với các tàu cá chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép đã được Đoàn công tác tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp những quy định và thủ tục cấp phép của nhà nước, tự hoàn thiện và gửi hồ sơ đến Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 5 để được cấp phép.
“Việc hỗ trợ cấp phép tần số vô tuyến điện cho các thiết bị giám sát hành trình tàu cá, giúp chủ tàu thực hiện đúng quy định của pháp luật để góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU”, lãnh đạo Sở Thông tin & Tuyên truyền tỉnh Nam Định chia sẻ.
Sở Thông tin & Tuyên truyền tỉnh Nam Định cho biết thêm, thời gian qua, ngành thông tin đã tổ chức tập huấn và phối hợp với UBND huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy và Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5 hỗ trợ cấp phép trực tiếp cho các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5 (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin &Truyền thông) chia sẻ, khi các chủ tàu đã có mã định danh điện tử, đơn vị sẽ hỗ trợ chủ tàu nộp hồ sơ điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến để xin cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện.
Thời gian qua, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện ven biển đẩy mạnh công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Trong đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở Thông tin & Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND các huyện ven biển hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân hoàn thiện việc cấp phép tần số vô tuyến điện theo quy định; phối hợp, kiểm tra xác minh làm rõ các hành vi vi phạm về vận hành, duy trì thiết bị giám sát hành trình.
Văn Chiến