Ngư dân chấp hành tốt các quy định IUU
Con tàu Hải Âu 02 mang biển kiểm soát ND.96889.TS do anh Trần Văn Châu (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) làm chủ, thường xuyên khai thác, đánh bắt cá xa bờ. Tàu đánh bắt cá từ vùng biển Quảng Ninh đổ vào vùng biển các tỉnh miền Trung.
Trung bình mỗi năm tàu ra khơi hơn 20 chuyến, mỗi chuyến kéo dài trên 15 ngày. Tàu chủ yếu khai thác cá thu. Nhiều năm nay, con tàu Hải Âu 02 với công suất trên 600CV hoạt động hiệu quả, sản lượng đánh bắt cả năm ước đạt gần 16 tấn cá thu.
Với chiều dài hơn 25m, con tàu của gia đình anh Châu thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Năm 2020, được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, các sở, ngành, anh đã chủ động lắp đặt thiết bị GSHT để xác định được vị trí tàu đang đánh bắt, qua đó khai thác đúng vùng biển, đúng tuyến, không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, anh luôn chấp hành nghiêm chỉnh trong việc khai thác đánh bắt xa bờ; chủ động ghi chép nhật ký khai thác và khai báo với Ban Quản lý Cảng cá Nam Định trước khi cập và rời Cảng.
“Tàu của gia đình tôi thường xuyên cập bến ở Cảng cá Ninh Cơ. Trước khi cập bến, tôi có thông báo về Ban Quản lý Cảng cá Nam Định trước 1 giờ đồng hồ và nộp nhật ký khai thác để Ban Quản lý Cảng cá nắm bắt được thông tin”, anh Châu tâm sự.
Nhiều năm nay, thiết bị GSHT trên con tàu mang biển kiểm soát ND.92289.TS, dài 21m, công suất trên 600CV của gia đình Phạm Văn Thắng (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) hoạt động hiệu quả. Tàu thường xuyên đánh bắt xa bờ và cập bến ở Cảng cá Ninh Cơ (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu).
Sau khi được Ban Quản lý Cảng cá Nam Định cùng lực lượng chức năng xuống tận thuyền tuyên truyền, phát tờ in, phổ biến Luật Thủy sản…, anh đã chấp hành nghiêm việc lắp đặt thiết bị GSHT.
Anh Thắng vui mừng nói, việc lắp đặt thiết bị GSHT rất hữu ích, cơ quan chức năng có thể giám sát được tàu đang đánh bắt ở vùng biển nào. Trường hợp tàu đánh bắt giáp vùng biển nước ngoài thì lực lượng chức năng sẽ phát tín hiệu và nhắc chủ tàu đổi hướng vào vùng biển của nước mình.
Nhiều tồn tại chưa được tháo gỡ
Ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Nam Định cho biết, Cảng cá Ninh Cơ được đầu tư, xây dựng từ năm 2004. Cảng có tổng diện tích 10,2 ha với các hạng mục công trình như cầu cảng dài 192m, 2 âu neo đậu sức chứa trên 100 tàu (công suất từ 20 - 90CV). Năm 2020, Cảng cá Ninh Cơ được Bộ Nông nghiệp - PTNT công nhận là Cảng cá loại I.
Theo ông Chung, thời gian qua, Ban Quản lý Cảng cá Nam Định tích cực thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm soát tàu cá ra vào Cảng cá Ninh Cơ. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý đối với tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật, ngăn chặn việc khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không ghi nhật ký hành trình khai thác nhằm kiểm soát tốt sản lượng thủy sản ra vào cảng cá.
Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản và xử lý tàu cá khai thác vượt khỏi ranh giới cho phép, tàu cá vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở chủ tàu mang đầy đủ hồ sơ tàu, thuyền và thực hiện nghiêm việc khai báo khi tàu cập và rời cảng; ghi nhật ký hành trình khai thác, đánh bắt đúng các ngư trường được phép, tạo thuận lợi cho việc xác định nguồn gốc xuất xứ của các loại thủy sản khai thác xuất bán vào các thị trường nước ngoài.
“Hiện nay, các tàu, thuyền thường xuyên neo đậu tại Cảng cá Ninh Cơ cơ bản đã lắp đặt thiết bị GSHT, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ. Ra, vào Cảng các chủ tàu đều đăng ký trước 1 giờ đồng hồ và xuất trình giấy tờ với Ban quản lý”, ông Chung cho hay.
Ông Chung nói thêm, hằng năm, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Văn phòng đại diện để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Ninh Cơ đối với các tàu cá; nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không quy định (IUU).
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Nam Định, hiện nay toàn tỉnh có 1.762 tàu cá; trong đó, 942 tàu cá hoạt động khai thác vùng biển ven bờ, 289 tàu cá khai thác vùng lộng và 531 tàu cá hoạt động khai thác vùng khơi. Số tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT là 517/531 tàu cá.
Đến nay công tác quản lý tàu cá và quản lý hoạt động khai thác hải sản đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại như một số tàu cá, chủ tàu không đi hoạt động khai thác thủy sản nên việc lắp đặt thiết bị GSHT chưa đạt 100%; một số tàu cá vẫn còn để mất kết nối thiết bị GSHT.
Ngoài ra, công tác xử lý vi phạm hành chính khai thác IUU nhất là đối với tàu cá không duy trì thiết bị GSHT tại các huyện ven biển còn ít. Tình trạng một số tàu cá hết hạn đăng kiểm và chưa có giấy phép khai thác thủy sản còn nhiều; tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m khai thác vùng ven bờ chưa nộp báo cáo khai thác cho tổ chức quản lý cảng theo quy định…
Văn Chiến