Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4”. Ông đánh giá như thế nào về Kế hoạch này?
Thời gian Đoàn thanh tra của EC về IUU quay lại làm việc với phía Việt Nam còn rất ngắn, chỉ còn nửa thời gian kể từ sau chuyến công tác tháng 10/2022 của Đoàn EC. Cho nên, việc đặt ra các nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể trong bản Kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng, song cùng với công tác chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 4 vừa thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ và ngành thuỷ sản, vừa phải đối mặt với những thách thức không hề dễ dàng.
Như đã biết, cả hệ thống chính trị vào cuộc để gỡ “Thẻ vàng EC về IUU”, ngăn chặn “Thẻ đỏ” từ hơn 5 năm qua và nhiều yêu cầu của EC chúng ta đã đáp ứng, đã giải quyết và được Đoàn thanh tra EC trong chuyến công tác lần 3 vào Việt Nam ghi nhận, đánh giá đúng mức.
Đồng thời, Đoàn EC cũng hy vọng 6 tháng tiếp theo họ quay trở lại thì vấn đề được giải quyết hoàn toàn, không còn tàu đánh cá nào của Việt Nam vi phạm quy định IUU ở nước ngoài. Có nghĩa là, các nhiệm vụ và chỉ tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động của Chính phủ nói trên phải được thực hiện rốt ráo, nghiêm túc, hiệu quả thực chất, kế thừa kết quả và kinh nghiệm của hơn 5 năm qua, không được “nói chơi”.
Quan điểm của ông về quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng", chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài của Việt Nam?
Cần phải nhìn nhận, hơn 5 năm qua, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm gỡ cảnh báo Thẻ vàng IUU của EC, không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn ở các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là đối với các diễn đàn của Liên minh châu Âu (EU) và từng nước EU.
Có thể nói, chúng ta cũng đã dùng đến cả cách thức tiến hành “Ngoại giao IUU”. Điều đó minh chứng không chỉ quyết tâm của nước ta, mà còn cho thấy “cuộc chiến loại bỏ IUU” trong điều kiện của Việt Nam khó khăn chừng nào. Thực tế như vậy đòi hỏi không phải chỉ có quyết tâm, mà phải có các cam kết mạnh từ tất cả các bên liên quan và ngư dân, cùng với những giải pháp tương ứng và hiệu quả.
Kế hoạch hành động 81 của Chính phủ về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp IUU đã thể hiện các yêu cầu này, vấn đề còn lại là thực hiện cho được. Quyết tâm rồi thì phải cương quyết thực hiện, thật rốt ráo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngay từ những năm đầu triển khai tháo gỡ Thẻ vàng IUU, Việt Nam đã rất trách nhiệm khi xác định: Đây là nhiệm vụ không phải chỉ để thực hiện yêu cầu của EC, mà là cho chính Việt Nam và cho chính ngư dân, Nhân dân cả nước, vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm mà nước ta đã cam kết theo đuổi.
Có ý kiến cho rằng, để chống khai thác IUU hiệu quả, phải xử lý cương quyết các tàu đánh cá ở vùng biển nước ngoài, quản lý tàu cá phải sâu sát đến từng chủ tàu, thuyền trưởng. Ông bình luận như thế nào?
Tôi cho rằng hoàn toàn đúng, vì đây cũng là nhóm giải pháp đã được yêu cầu thực hiện ngay từ đầu dựa trên những quy định của Luật Thuỷ sản 2017, trong đó đã kịp thời bổ sung 14 quy định riêng về IUU. Tuy nhiên, trong thực tế, cũng như các quy định khác trong luật Thuỷ sản 2017 và các luật pháp liên quan khác, rào cản vẫn là thói quen “không tuân thủ”, “nhờn luật” của không ít ngư dân, cán bộ và cơ quan quản lý.
Đặc biệt, người trong cuộc và người có trách nhiệm quản lý, đâu đó còn né tránh, ngại va chạm, việc ai nấy làm, thiếu phối hợp hành động và chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc lợi ích của việc loại bỏ IUU. Các giải pháp áp dụng đã phát huy hiệu quả nhất định nhưng chưa toàn diện và đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều cơ quan và cá nhân quan tâm nhưng thiếu giải pháp mạnh, đột phá….
Ông có đề xuất, kiến nghị gì để khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2023?
Trước mắt, toàn ngành thuỷ sản và cả nước tiếp tục chung tay loại bỏ IUU, tập trung cao độ cho “chiến dịch 3 tháng chống IUU”, thực hiện bằng được các chỉ tiêu và yêu cầu của Chính phủ trong Kế hoạch hành động 81; Phối hợp lực lượng, thành lập các Tổ công tác IUU liên ngành (tạm thời) trực thuộc UBND tỉnh, thường trực là Sở NN&PTNT và nòng cốt là Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Thanh tra thuỷ sản, Cảnh sát môi trường, các hội/hiệp hội thuỷ sản/nghề cá tại địa phương…
Tổ công tác liên ngành này phải đến tận nhà, ra tận tàu để vận động ngư dân, giải thích cho ngư dân và gia đình hiểu lợi ích đối với chính gia đình và đất nước về loại bỏ IUU. Đồng thời, Tổ công tác hướng dẫn ngư dân và gia đình cùng ký cam kết “không đi đánh bắt cá IUU”.
Trên cơ sở dó, các cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản, lực lượng thực thi pháp luật trên biển và cương giới biển tiếp tục bám biển, hỗ trợ ngư dân đánh cá an toàn và hiệu qủa trên “ao nhà”. Chính phủ chỉ đạo thống nhất để UBND các tinh ban hành cơ chế, uy động và hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các hoạt động nói trên.
Đó là nhiệm vụ trước mắt, còn về lâu dài trong điều kiện “ao nhà” ít cá, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các cơ quan quản lý ngành thực thi trách nhiệm giúp các địa phương có giải pháp cụ thể, thiết thực trong việc phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản ở các thuỷ vực ven biển và toàn vùng biển.
Cần quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển và bảo tồn nguồn lợi, nguồn giống thuỷ sản; chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân chấp hành tốt IUU, chuyển dịch cơ cấu sang nuôi biển, bảo vệ môi trường biển… Đặc biệt, đã đến lúc cần ban hành chính sách đặc thù với ngư dân theo cách tiếp cận “Tam ngư” để giải quyết đồng bộ, lồng ghép ba vấn đề: Ngư dân, Ngư nghiệp, Ngư trường hướng tới phát triển một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam, thực hiện thực chất các cam kết quốc tế về nghề cá và biển mà nước ta ký kết và là thành viên.
Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Anh (thực hiện)