Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, Nghị quyết số 21 / 2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, đối tượng được hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá là tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đăng ký tại tỉnh Thanh Hóa (bao gồm cả các tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình).

Điều kiện hỗ trợ là các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có các loại giấy tờ còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.

Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá phải là thiết bị mới 100% tại thời điểm lắp đặt, có chức năng đáp ứng các quy định tại khoản 1, Điều 44, Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 8/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; đã kích hoạt, kết nối, đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá lắp đặt tại Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản trước ngày 30/8/2021.

Mức hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình là 10 triệu đồng/tàu cá; hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ 1 lần sau khi đầy đủ hồ sơ. Mức hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo hóa đơn thực tế nhưng không quá 300.000 đồng/tháng/tàu cá; hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ hằng năm (1 lần/năm). Thời gian hỗ trợ: Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2024, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh.

Hoài Thu